Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận

17:46, 19/04/2016
Đến xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” hiện hữu trên từng đường làng, ngõ xóm, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Đổi thay rõ nét của bức tranh nông thôn nơi đây là minh chứng cho hướng phát triển đúng đắn của địa phương, sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhanh tay đổ những bao tiêu vừa mới hái từ rẫy về ra sân phơi, ông Phan Văn Thắng (thôn Bình Minh 3) hồ hởi khoe: “Năm nay gia đình tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn tiêu, trừ đi các khoản chi phí thì còn lãi được vài trăm triệu đồng. Gia đình tôi khá lên cũng từ cây tiêu, cà phê, nhờ đó mà kinh tế ổn định, con cái có điều kiện ăn học đàng hoàng. Nhưng so với những hộ khác trong vùng thì gia đình tôi chỉ xếp hạng trung bình, nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm”. Nói rồi, ông vanh vách kể ra những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương như gia đình ông bà Hạnh ở thôn Bình Minh 3, ông Nguyễn Đăng Sỹ, Nguyễn Văn Liên ở thôn Bình Hòa 4B…

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, xã được thành lập từ năm 1976. Hiện xã có 23 thôn, buôn với 2.834 hộ, gồm 8 dân tộc anh em sinh sống. Là xã thuần nông (90% dân số sống bằng hoạt động nông nghiệp), người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng xuống cấp, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nội vùng rất khó khăn. Xuất phát điểm thấp nên bước đầu triển khai xây dựng NTM, Bình Thuận gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nên xã đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển xây dựng NTM và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, trong đó nhấn mạnh nhân dân là người đóng vai trò chủ thể trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ chương trình.

Trong chương trình xây dựng NTM, mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững luôn được xã Bình Thuận chú trọng quan tâm hàng đầu. Cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành cấp trên, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi như: mô hình trồng tiêu, cà phê, chăn nuôi bò nhốt chuồng, nuôi lợn siêu nạc; hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay; khuyến khích người dân sử dụng các loại giống mang lại hiệu quả kinh tế… Trong 5 năm qua, xã Bình Thuận đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế với đông đảo người dân tham gia. Chỉ tính riêng trong năm 2015, xã đã phối hợp với các công ty BIO, Hoàng Ngọc, Hợp Trí… tổ chức 8 đợt hội thảo về phòng trừ bệnh, chăm sóc cho cây tiêu và cà phê. Qua 5 năm xây dựng NTM, từ chỗ chỉ đạt 4 tiêu chí, đến nay xã đã hoàn thành được 13/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng, riêng năm 2015 đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 5,6%...

Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều góp phần thay đổi bộ mặt xã Bình Thuận.
Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều góp phần thay đổi bộ mặt xã Bình Thuận.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, Bình Thuận còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động  nguồn lực từ nhân dân, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học... Nhiều công trình mới được hoàn thành đã giúp bộ mặt nông thôn của xã ngày một khởi sắc. Trong 5 năm qua, xã Bình Thuận đã làm mới hơn 8,8 km đường bê tông, tu sửa hơn 60 km đường nông thôn và kênh mương nội đồng; xây dựng 3 nhà văn hóa; xóa 13 nhà dột nát cho người dân… với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 3,6 tỷ đồng và gần 5.000 ngày công lao động. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình trong việc xây dựng NTM như gia đình ông Phan Thanh Hưng hiến 500 m2 đất để xây dựng trụ sở thôn Bình Hòa 3; gia đình bà Văn Thị Gái (là hộ nghèo, thôn Bình Hòa 4A) hiến 100 m2 đất để làm đường giao thông; gia đình ông Hoàng Phước (thôn Bình Hòa 4B) hiến 250 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Phước tâm sự: “Mặc dù không dư dả gì nhiều, nhưng khi được vận động thì chúng tôi sẵn sàng đóng góp, vả lại mình cũng là người trực tiếp được hưởng lợi nên gia đình tôi ủng hộ ngay”.  

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Đông cho rằng, để có thể hoàn thành được 6 tiêu chí còn lại (hình thức tổ chức sản xuất, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ và môi trường) ngoài những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, rất cần sự quan tâm của các cấp ngành liên quan, bởi đây là những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng xác định phải giữ vững các tiêu chí đã đạt được theo hướng bền vững, không chạy theo thành tích, không trông chờ ỷ lại mà sẽ lồng ghép các nguồn đầu tư của Nhà nước song song với việc huy động sức dân để sớm hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Trong năm 2016, Bình Thuận phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là hình thức tổ chức sản xuất và môi trường.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.