Multimedia Đọc Báo in

Nuôi dưỡng nguồn thu - "Lời giải" cho bài toán thu ngân sách

09:41, 22/04/2016
Trước bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu không còn dồi dào đang đặt ra cho ngành Thuế và nhà quản lý bài toán khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2016.

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, thu thuế, phí quý I-2016 trên địa bàn chỉ đạt 749,77  tỷ đồng, bằng 79% dự toán quý, trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) các loại đều đạt thấp hơn so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, thu từ khu vực quốc doanh Trung ương chỉ đạt 17% dự toán 2016, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2015 (giảm tuyệt đối 13 tỷ đồng); thu từ khu vực quốc doanh địa phương đạt 25% dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ 2015 (giảm tuyệt đối 8,9 tỷ đồng)… Đáng chú ý là tình trạng DN giải thể, nghỉ, tạm ngưng kinh doanh đang diễn ra phổ biến. Trong quý I  có thêm 319 DN được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ tính riêng TP. Buôn Ma Thuột lại có đến 401 DN bỏ kinh doanh, giải thể và tạm ngưng kinh doanh. DN nói chung được xem là “xương sống” của nền kinh tế, nhưng với tình trạng hoạt động như hiện nay sẽ đưa đến nhiều bất lợi trong việc thu NSNN. Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột Trần Văn Ánh cho rằng, việc tăng thu cho ngân sách không chỉ phụ thuộc ngành tài chính, thuế mà còn phụ thuộc rất lớn vào “sức khỏe” của DN. Đơn cử như tại TP. Buôn Ma Thuột, nơi tập trung số lượng lớn DN của tỉnh, trong 2.963 DN đang hoạt động thì có đến 365 đơn vị không thuộc diện phải nộp tờ khai thuế (các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, văn phòng đại diện). Như vậy, chỉ còn 2.598 DN phải kê khai thuế, nhưng trong quý I-2016 chỉ có 1.278 DN có số thuế phát sinh, còn lại là những DN không có thuế phát sinh phải nộp (381 DN không phát sinh doanh thu, 574 DN có doanh thu bán ra không có thuế, 365 DN kê khai thuế GTGT trực tiếp). Thế nhưng, số DN đang hoạt động này phải “gánh” số thuế, phí lên đến gần 605 tỷ đồng (theo dự toán của HĐND tỉnh giao thu khu vực quốc doanh Trung ương, địa phương và từ công, thương nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột). Rõ ràng, đây là khó khăn rất lớn cho cả ngành Thuế lẫn cộng đồng DN. Theo ông Trần Văn Ánh, thay cho việc “tận thu” để bù đắp số hụt thu NSNN thì thu NSNN phải lấy mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu là mục tiêu quyết định sự ổn định và phát triển nguồn thu, việc nuôi dưỡng nguồn thu thông qua tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu.

Theo khảo sát của ngành Thuế, hầu hết DN giải thể, tạm dừng kinh doanh đều do gặp khó khăn trong kinh doanh, không phát sinh doanh thu trong thời gian dài. Thế nhưng, bên cạnh áp lực cạnh tranh của thị trường thì nhiều DN, nhất là những DN xây dựng đang lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ do chưa được Nhà nước thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đại diện một DN xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong năm 2015, DN này chỉ được Nhà nước giải ngân khoảng 10% tổng số nợ. Với số nợ ngân hàng lớn, đơn vị đã phải dừng hoạt động để chờ ngân sách Nhà nước giải ngân, bởi nếu tiếp tục hoạt động cũng không có vốn. Điều đáng nói là, trong khi ngân sách Nhà nước đang nợ DN, nhưng ngân hàng, ngành Thuế vẫn liên tục “đòi nợ” khiến DN càng thêm khó khăn. Trong khi đó, nhiều DN thương mại, dịch vụ cũng đang phải “kêu trời” vì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của những DN lớn từ ngoài tỉnh vào. Những DN này đã lợi dụng các “mối quan hệ” để tác động vào những quyết định của nhiều cấp, ngành khiến DN trong tỉnh rất khó khăn trong đấu thầu. Trong khi đó doanh thu của các DN ngoài tỉnh sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế tại địa phương họ đóng chân, khiến việc thu ngân sách của tỉnh đã khó càng thêm khó.

Có thể nói, khi NSNN gặp khó khăn phải tìm cách giảm chi, hạn chế những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu mới là giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài, thay vì “đẻ” ra nhiều loại thuế, phí để tận thu. Song song với đó, các quy phạm pháp luật về thuế cần được nhanh chóng hoàn thiện, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có cơ sở phát triển vững chắc, tạo niềm tin thu hút đầu tư. Điều này càng trở nên cấp thiết trong điều kiện Việt Nam phải thực hiện các quy định, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, DN Việt Nam nói chung, DN Đắk Lắk nói riêng phải cạnh tranh công bằng với DN nước ngoài, rất cần được trang bị “hành trang” vững chắc để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc