Multimedia Đọc Báo in

Đường liên xã "oằn mình" cõng xe quá tải, quá khổ!

14:35, 20/04/2016

Chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường nông thôn, nhưng hằng ngày tuyến đường liên xã Tân Tiến – Ea Uy – Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) phải “oằn mình” cõng hàng chục lượt xe quá khổ, quá tải.

Nỗi ám ảnh của người dân

Theo phản ánh của những hộ dân dọc 2 bên con đường, cứ vào tầm 4-5 giờ sáng và từ 18 đến 20 giờ là cao điểm của đủ loại xe tải trong và ngoài tỉnh, tải trọng từ hơn 1 tấn đến hàng chục tấn lưu thông không ngớt trên đường. Vào các thời điểm khác trong ngày, không khó để bắt gặp các xe tải nhỏ, xe công nông chủ yếu chở vật liệu phục vụ khu vực nội vùng hoặc đến các huyện lân cận như Krông Bông, Ea Kar… Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Krông Pắc cho biết, đường liên xã này là nơi đóng chân của 33 cơ sở sản xuất gạch, nằm rải rác tại xã Ea Uy, Ea Yiêng, với công suất trung bình 10 triệu viên/năm/1 lò; ngoài ra, còn có 1 điểm khai thác cát tại xã Ea Yiêng, do đó lượng xe tải tập trung về đây rất lớn.

Tình trạng xe tải lưu thông quá nhiều trên tuyến đường này không những phá hỏng kết cấu mặt đường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Chứng kiến thực tế cho thấy, phần lớn mặt đường bị biến dạng hoàn toàn, ổ trâu, ổ gà xuất hiện chi chít, đất, cát, gạch rơi vãi đầy đường. Trong khi mặt đường nhỏ, chỗ lồi, chỗ lõm, phương tiện trọng tải lớn lưu thông nhiều, chiếm hết lối đi của người tham gia giao thông, khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập người đi đường. Chị Giang (người dân xã Ea Yiêng) than vãn, mỗi lần có việc ra huyện, đi trên đoạn đường này chị đều cảm thấy bất an, mùa mưa xuất hiện nhiều vũng nước không biết chỗ nào mà tránh, còn mùa nắng thì bụi bay mù mịt, xe tải chạy liên tục chiếm hết lòng đường, che khuất tầm nhìn. Chưa kể, đến vụ thu hoạch nông sản của bà con, các loại phương tiện lưu thông qua đường này càng trở nên dày đặc, rối rắm hơn.

Mặt đường đoạn ngã 3 xã Tân Tiến xuất hiện nhiều  hố sâu.
Mặt đường đoạn ngã 3 xã Tân Tiến xuất hiện nhiều hố sâu.

Không những thế, tiếng ồn phát ra từ động cơ phương tiện, cùng với khói, bụi luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Xuân M. (thôn 3, xã Tân Tiến) bức xúc, nhà ông ở sát mặt đường nên thường xuyên hứng bụi, bùn do các loại xe tải gây ra, nhất là ki-ốt bán thức ăn chăn nuôi của gia đình chưa có ngày nào sạch sẽ do bụi quá nhiều. Vào mùa khô, mặc dù ngồi trong nhà, nhưng lúc nào ông cũng phải bịt kín khẩu trang và đeo kính bảo vệ mắt. Không kém phần bức xúc, chị H. (xã Ea Uy) phản ánh, cứ tầm 4 giờ sáng, nhiều lúc đang ngủ ngon, chỉ cần một tiếng còi xe là cả nhà giật mình tỉnh giấc, khổ nhất là mấy đứa trẻ. Còn việc buôn bán thì cực kỳ khó, bởi nơi đâu cũng phủ đầy bụi đường, nhiều khách muốn ghé quán nhưng sợ bụi bẩn lại bỏ đi.

Phải “cứu” đường ngay từ bây giờ

Đường liên xã nói trên có chiều dài 12 km, được đầu tư xây dựng từ năm 2003, trong đó nhựa hóa khoảng 6 km đoạn từ ngã 3 Tân Tiến đến xã Ea Uy với kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, mặt đường rộng 3,5 mét, lề đường mỗi bên 1,5 mét, tải trọng cho phép 13 tấn. Đường bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi kinh phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng ít, lại năm có, năm không. Hằng năm, chính quyền và người dân địa phương có tuyến đường đi qua đều góp công góp của đắp, vá ổ gà, nhưng cứ qua khoảng 2 trận mưa lớn thì đường lại lồi lõm như cũ. Đơn cử như xã Ea Yiêng, năm nay địa phương đã và đang huy động người dân và các cơ sở sản xuất gạch đóng góp khoảng 50 triệu đồng cùng vật liệu, ngày công để san lấp các ổ trâu, ổ gà, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi nguồn kinh phí chẳng đáng là bao, nếu mưa xuống thì đường lại hư như cũ.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện cho biết, Công văn số 936/UBND-CN ngày 17-3-2008 của UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tuyến đường này, nhưng đến nay công trình vẫn chưa có vốn để triển khai. Năm 2015, huyện cũng đã lựa chọn đường liên xã là 1 trong 8 công trình đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư xây dựng theo kế hoạch trung hạn 2016-2020, theo ước tính sơ bộ, để làm đoạn đường này thì cần tới hơn 70,7 tỷ đồng. Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đường, ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, theo phân cấp quản lý, các tuyến đường huyện, xã, thôn, buôn thuộc quyền quản lý của UBND các huyện, theo đó, đường liên xã nói trên thuộc huyện Krông Pắc quản lý, UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý vi phạm theo thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Điều 68, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ. Thanh tra sẽ tham mưu Sở GTVT có văn bản đề nghị UBND huyện Krông Pắc chỉ đạo Công an huyện, UBND xã  Tân Tiến, Ea Uy và Ea Yiêng tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp địa phương thiếu thiết bị kiểm tra, nhân lực, UBND huyện Krông Pắc chỉ đạo Công an huyện có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị Thanh tra Sở tham gia phối hợp xử lý. Trong khi nguồn vốn làm mới tuyến đường chưa có, giải pháp hữu hiệu nhất để “cứu” đường lúc này là cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng nhằm chấm dứt tình trạng xe tải trọng nặng, quá khổ lưu thông trên tuyến đường này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.