Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng lớn từ điện mặt trời

09:31, 10/06/2016

Trước bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, trong khi các nhà máy thủy điện đang gây ra những tác động tiêu cực thì mô hình điện mặt trời (ĐMT) sẽ góp phần giảm áp lực về điện và thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng theo hướng bền vững.

ĐMT được xây dựng bằng cách chọn vùng có năng lượng mặt trời lớn, lắp đặt các tấm thu năng lượng để phản chiếu và đun nóng các nồi hơi tạo ra hơi nước rồi đẩy ra các tua bin phát điện. Theo tính toán của các chuyên gia, một ngôi nhà có diện tích khoảng 50 - 60 m2 là có thể lắp đặt được các tấm năng lượng mặt trời công suất 3 - 4 kW, tổng kinh phí khoảng 80 - 100 triệu đồng, sau 6 - 7 năm có thể thu hồi vốn, nếu xây dựng nhà máy cũng chỉ cần sử dụng 1 ha đất.

Trên thế giới, ĐMT đã trở nên phổ biến và cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, nhà máy lớn nhất thế giới hiện nay có công suất khoảng 500 MW. Tại Việt Nam, nhà máy ĐMT quy mô lớn nhất được xây dựng tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với công suất gần 20 MW; bên cạnh đó, nhiều dự án cũng đang được triển khai xây dựng tại một số địa phương khác. Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính, năm 2020 sẽ có 0,5% tổng sản lượng điện cả nước được sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời, đến năm 2030 là 5%, năm 2050 đạt 20%.

Địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành (Hà Nội) và Công ty Namu (Hàn Quốc) khảo sát chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành (Hà Nội) và Công ty Namu (Hàn Quốc) khảo sát chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển ĐMT. Hiện có 2 dự án trong lĩnh vực này dự kiến đầu tư tại huyện vùng biên Ea Súp gồm nhà máy ĐMT của Công ty TNHH Solarpark Korea trên lòng hồ Ea Súp Thượng, công suất lắp máy 300 – 500 MW, vốn đầu tư 0,6 – 1 tỷ USD và nhà máy của liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành (Hà Nội) và Công ty Namu (Hàn Quốc) tại xã Cư M’lan, công suất 120MW, vốn đầu tư 150 triệu USD. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Solarpark Korea đã ký thỏa thuận ghi nhớ với địa phương về việc triển khai dự án; đối với dự án còn lại, chủ đầu tư cũng đã làm việc với UBND tỉnh để tiến hành khảo sát thực địa, thống nhất việc đấu nối với đường dây 500kV của hệ thống điện lưới quốc gia, chuẩn bị lắp đặt trạm quan trắc, cũng như các quy trình, thủ tục khác… Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, chính quyền và người dân địa phương đang rất kỳ vọng, 2 nhà máy này được xây dựng sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như hình thành nên một địa điểm du lịch mới lạ.

Mối băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay là cơ chế riêng cho các dự án đầu tư cho lĩnh vực ĐMT. Vướng mắc này sắp được tháo gỡ khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng Quyết định quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới. Theo đó, thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ được minh bạch, nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, đầu tư, đất đai…; đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối  điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời trong thời gian 20 năm với giá từ 1.800 – 3.500 đồng/kWh. Có thể nói, đây là hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động quản lý nhà nước về ĐMT và cú hích cho sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch này.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, triển khai các dự án ĐMT trời sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, tạo ra sản lượng điện lớn và thúc đẩy chuyển dịch công nghiệp năng lượng Đắk Lắk từ thủy điện sang năng lượng tái tạo như điện gió, ĐMT.                

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.