Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk - bạn đồng hành cùng người nghèo
Không còn thụ động và đứng ngoài cuộc ở các hạng mục công trình, các tiểu dự án sinh kế, hơn 1 năm nay kể từ khi Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk (Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk) đi vào hoạt động, trên 8.000 hộ nghèo ở khắp các thôn, buôn tại 25 xã thuộc 5 huyện nghèo vùng dự án (Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp) đã tích cực tham gia vào các hoạt động sôi nổi như sửa chữa kênh mương thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn, thảo luận và cùng vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cán bộ hỗ trợ cộng đồng (CF) cùng nhóm LEG an ninh lương thực và dinh dưỡng buôn Cư Mil, xã Ea Trul, huyện Krông Bông họp đề xuất tiểu dự án sinh kế. |
Nằm lọt thỏm giữa những ruộng lúa bị hạn, khô cằn khi chưa kịp trổ, ruộng lúa của chị H’Jiu Ông, buôn Kdiê 1, xã Đắk Nuê (huyện Lắk) vẫn trĩu bông. Chị HJiu phấn khởi cho hay “Nếu mình không tham gia Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk, chắc ruộng của mình cũng không có thu như mấy ruộng kia thôi, vì mình cũng làm như bà con, sử dụng giống cũ, sạ dày, năm nào được mùa thì cũng chừng 15 bao thôi. Năm nay, nhờ có Dự án giảm nghèo hướng dẫn kỹ thuật, là phải sử dụng giống mới chịu hạn, phải sạ sớm để tránh hạn và chỉ gieo 5 kg giống/sào thôi, ban đầu bà con cũng nghi ngờ lắm, nhưng có cán bộ Phương (cán bộ hỗ trợ cộng đồng - Dự án GNKVTN tại xã Đắk Nuê, huyện Lắk) hướng dẫn, nhắc nhở ngày nào sạ, ngày nào bón phân, sạ bao nhiêu kg, bón phân gì, bao nhiêu, rồi có sâu bệnh thì phải xử lý như thế nào cho đúng kỹ thuật”
Cũng cùng tâm trạng phấn khởi như chị H’Jiu Ông, chị H’Tim Bing một trong số 15 thành viên của Nhóm cải thiện sinh kế (LEG) buôn Kdiê 2 tham gia Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trước đây, bà con cũng đã được tập huấn nhiều rồi, khuyến cáo sử dụng giống mới, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo sạ, chăm sóc lúa .v.v. nhưng bà con nghe xong có người thì áp dụng, người thì không, áp dụng có khi không đúng nên kết quả đạt thấp, tham gia LEG trồng lúa, có cán bộ hỗ trợ cộng đồng (CF) hướng dẫn, theo dõi, nhắc nhở nhóm làm đúng kỹ thuật . Nhờ vậy mà năm nay lúa của cả nhóm đều tránh được hạn, năng suất đạt 8 đến 10 tạ/sào”.
Vận dụng hiệu quả các kiến thức kỹ thuật vào sản xuất là những thay đổi rõ nét ở cả trên 8.000 hộ nghèo đang tham gia Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk. Từ những đối tượng dễ bị tác động nhất của thiên tai, sản xuất kém hiệu quả, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, các hộ nghèo tham gia Dự án đã trở thành những hộ sản xuất ít chịu tác động của hạn hán trong vụ vừa qua, và đạt năng suất cao hơn trước từ 2 đến 3 tạ/ sào đối với các Tiểu dự án sản xuất lúa, ngô. Các tiểu dự án sinh kế nuôi bò, trồng rau, cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi heo, gà, ngan để cải thiện dinh dưỡng .v.v. cũng đều phát triển tốt, không có tình trạng để cây trồng, vật nuôi chết hoặc bán bò lấy tiền tiêu.
Nhận định chung ở hầu hết các địa phương, cái khó nhất trong công tác giảm nghèo là làm thế nào để các hộ nghèo chủ động tiếp thu và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao đời sống. Do đặc điểm của hộ nghèo là sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, sự can thiệp của công tác khuyến nông địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tập huấn, phổ biến kiến thức. Với Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh việc tổ chức để các hộ nghèo tập huấn và sản xuất theo nhóm, việc bố trí cán bộ CF theo sát hỗ trợ người dân trong suốt quá trình thực hành sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu để các kiến thức khoa học kỹ thuật được vận dụng vào thực tiễn sản xuất của bà con.
Cán bộ hỗ trợ cộng đồng (bìa phải) giám sát Tiểu dự án sinh kế nuôi bò thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. |
Theo Ban quản lý Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk, cán bộ CF là người có vai hỗ trợ trực tiếp và hàng ngày cho Ban phát triển (BPT) xã, các thôn, buôn, LEG trong thực hiện các hoạt động dự án và có trách nhiệm đảm bảo các kết quả thực hiện tại cơ sở. Sau hơn 1 năm hoạt động, cả 25 cán bộ CF tại 25 xã đều làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Khi dự án chuẩn bị triển khai, cán bộ CF là người đến từng nhà tuyên truyền, giải thích giúp người dân hiểu về dự án, mục tiêu và các hoạt động. Khi triển khai, CF là người hướng dẫn, giúp họ chủ động tham gia bằng cách hình thành nên những nhóm cộng đồng, tổ chức họp và cùng tham gia bàn bạc, quyết định lựa chọn công trình đầu tư, tham gia thi công, phối hợp giám sát công trình đối với các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng; hay hình thành các LEG, giúp họ tổ chức thảo luận lựa chọn tiểu dự án cần đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn thực hành và vận dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau khi đã được tập huấn .v.v.
Nhờ vậy mà từ chỗ còn rụt rè thụ động, hầu hết các hộ nghèo đã trở thành những chủ thể chính cùng thảo luận bàn bạc quyết định và cùng tham gia thực hiện các hạng mục đầu tư trên địa bàn.
Đi trên con đường bê tông mới được đầu tư, vang vọng tiếng bi bô của các em nhỏ của trường mẫu giáo thôn ngay bên đường, ông Lê Hồng Phương, thôn trưởng thôn 1, xã Ea Trul cho biết: Đây là con đường của Dự án GNKVTN tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vốn, bà con tự đấu thầu thi công, đây là hình thức trước đây bà con chưa làm bao giờ. Bên cạnh cán bộ giám sát hỗ trợ kỹ thuật, nhờ CF hướng dẫn cách tổ chức, cách làm nên bà con đã đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, làm đường đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho chính mình. Về lâu dài bà con cũng yên tâm vì đã được giao cho đoàn thanh niên lo bảo dưỡng công trình”.
Tương tự như các tiểu dự án sinh kế, người dân được hướng dẫn tham gia bàn bạc lựa chọn và cùng thực hành sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật, ở các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, người dân cũng tham gia bàn bạc lựa chọn công trình và ở các công trình có đòi hỏi kỹ thuật không cao cũng do chính người dân tham gia đấu thầu thi công theo kỹ thuật. Trong 40 công trình cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn buôn đã được đầu tư tại 25 xã vùng dự án, đã có 24 công trình do chính cộng đồng hưởng lợi tự đấu thầu tự thực hiện, cả 24 công trình đều góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Dự án GNKVTN là dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo tại 6 tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi, do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các địa phương thực hiện. Tại tỉnh Đắk Lắk, dự án bắt đầu triển khai từ cuối năm 2014. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cùng với hàng chục công trình được đầu tư và hoàn thiện, hàng loạt Tiểu dự án sinh kế triển khai đến hộ nghèo đạt hiệu quả, Dự án GNKVTN được biết đến với những cách triển khai mới mẻ, khơi gợi sự chủ động, sáng tạo của người dân. Chính cách tổ chức theo nhóm và sự vào cuộc của đội ngũ CF đã tạo nên sự khác biệt.
Bảo Uyên
Ý kiến bạn đọc