Multimedia Đọc Báo in

Cửa hàng thực phẩm an toàn: Điểm đến tin cậy cho người tiêu dùng

06:57, 28/08/2016

Trước nguy cơ đối mặt với những ẩn họa khôn lường từ việc sử dụng thực phẩm bẩn, không có nguồn gốc xuất xứ thì việc ra đời của các cửa hàng thực phẩm an toàn được xem là địa chỉ tin cậy với người tiêu dùng (NTD) trong thời điểm hiện nay.

Năm 2016 là năm cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên toàn quốc. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan về vấn đề này. Trong kế hoạch hành động năm nay, nhiệm vụ trọng tâm được các bộ, ngành đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chất lượng vệ sinh ATTP, nông-lâm-thủy sản; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra nhất là thanh tra đột xuất; kết nối, xúc tiến thương mại. Tiến sỹ Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra đánh giá 80 cơ sở sản xuất thực phẩm, nông-lâm-thủy sản. Trong đó, cơ sở đạt loại A là 13 cơ sở (chiếm 16,25%), loại B là 60 cơ sở (chiếm 75%), loại C là 4 cơ sở (chiếm 5%), 3 cơ sở không xếp loại (chiếm 3,75%) do không đủ tiêu chí đánh giá. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các cơ quan chức năng đã phát hiện 11 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, cửa hàng hoặc kho chứa không đúng theo quy định, thuốc hết hạn sử dụng; 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản và thủy sản không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chưa sử dụng bảo hộ lao động, chất lượng sản phẩm không phù hợp với công bố chất lượng, sử dụng chất phụ gia được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; 10 cơ sở dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và một số thủ tục khác theo quy định…

Các sản phẩm trưng bày tại Cửa hàng thực phẩm an toàn đều phải được kiểm định chất lượng vệ sinh ATTP hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Các sản phẩm trưng bày tại Cửa hàng thực phẩm an toàn đều phải được kiểm định chất lượng vệ sinh ATTP hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, cần phải có sự kết nối thương mại giữa nhà sản xuất mặt hàng nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với NTD thì chuỗi sản xuất đó mới trọn vẹn. Trên cơ sở đó, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thành lập thí điểm Cửa hàng trưng bày, giới thiệu, kết nối thương mại cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm theo tiêu chuẩn dưới sự điều hành, giám sát chặt chẽ của Chi cục. Chị Trần Ngọc Đoan Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thực phẩm sạch Buôn Ma Thuột, đơn vị đứng ra tiếp nhận và quản lý thí điểm mô hình Cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) trăn trở: Thực phẩm “bẩn”, không an toàn đang là nỗi ám ảnh hằng ngày đối với NTD. Hiện nay, tại các siêu thị lớn như Metro, Coo.p mart cũng có cung cấp các loại thực phẩm đã qua kiểm định. Cùng với đó, còn có các gian hàng rao bán thực phẩm trên các trang web, hoặc mạng xã hội với cam kết không sử dụng phân bón vô cơ, không phun hóa chất, không sử dụng chất bảo quản… cũng thu hút đông đảo NTD quan tâm. Tuy nhiên, số cửa hàng như vậy còn ít, chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên vẫn chưa tạo được lòng tin với NTD. Trước thực trạng nhà sản xuất loay hoay trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, còn NTD lại không biết mua sản phẩm sạch ở đâu thì Cửa hàng TPAT chính là cầu nối giữa nhà sản xuất và NTD.

Dù mô hình cửa hàng TPAT mới triển khai thực hiện từ đầu tháng 8-2016 nhưng đến nay đã có trên 20 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn như Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh (huyện Cư M’gar); Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana; Công ty Chiến Lược Xanh (Buôn Hồ), Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Công ty Cà phê Trường Giang, Cơ sở sản xuất hạt điều Tâm Bình; Công ty TNHH Hồng Hoa…đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm với các mặt hàng như: rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, cà phê, tiêu, mứt, trái cây... Tiêu chí của những đơn vị tham gia Cửa hàng là phải đạt chứng nhận về vệ sinh ATTP, VietGAP hoặc tham gia vào chuỗi TPAT của tỉnh. Những sản phẩm tham gia Cửa hàng đều phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh ATTP và lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia cửa hàng phải xác nhận về khả năng sản xuất, tránh tình trạng cung không đủ cầu dẫn đến nhà sản xuất vì lợi nhuận mà lấy hàng không rõ chất lượng để đưa vào thay thế. 

Có thể nói, sự ra đời của Cửa hàng TPAT đã giúp nhà sản xuất bớt chi phí từ các khâu trung gian để đưa sản phẩm trực tiếp tới NTD. NTD hy vọng dưới sự giám sát chặt chẽ của Chi Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thì thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Dự kiến Cửa hàng TPAT sẽ khai trương vào ngày 17-9. Trong thời gian này NTD sẽ được thử nghiệm các loại cà phê, trà và được trao đổi trực tiếp về hình thức chế biến với nhà sản xuất…   

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc