Nông thôn – thị trường "mở" của các giải pháp tài chính hiện đại
Cùng với sự “bùng nổ” của công nghệ thông tin, thanh toán điện tử đã ngày càng trở thành văn hóa thanh toán hiện đại và khá quen thuộc, phổ biến với người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi không có nhiều trung tâm dịch vụ của ngân hàng như ở vùng đô thị.
Nhiều năm gần đây, ông Nguyễn Xuân Lý (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã quen thuộc với việc giao dịch ngân hàng qua mạng Internet (Internet Banking – I-banking). Ông Lý cho biết, ông tiếp cận với I-banking khi người con trai đầu của mình đi học đại học ở Huế. Do nhà ở xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn nên ông đã sử dụng I-banking để chuyển tiền cho con trang trải chi phí học tập. Ban đầu ông chỉ sử dụng I-banking để chuyển tiền cho con, nhưng sau đó khi nhận thấy nhiều tiện ích của hình thức giao dịch này gia đình ông đã tận dụng để thực hiện việc trả tiền điện và các giao dịch chuyển khoản khác. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet và mã truy cập do ngân hàng cung cấp, ông Lý đã có thể thực hiện các giao dịch với ngân hàng mọi lúc mọi nơi một cách an toàn mà không cần phải đến ngân hàng... Ông Nguyễn Xuân Lý chỉ là một trong rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tận dụng hình thức giao dịch điện tử trong đời sống thường nhật. Dịch vụ thanh toán điện tử với các tiện ích đa dạng, vượt trội so với các dịch vụ thanh toán truyền thống, nên ngày càng trở nên phổ biến, dễ dàng tiếp cận đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, đến nay các tổ chức tín dụng đã phát hành gần 950 nghìn thẻ ATM, trong đó có đến 70% số thẻ mới phát hành tại khu vực nông thôn. Thông qua việc phát hành thẻ ATM, các ngân hàng cũng đã “tích hợp” các điện tử dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiên tiến để khách hàng có nhiều lựa chọn trong việc thực hiện các giao dịch trong tương lai.
Nhân viên Agribank Chi nhánh Đắk Lắk hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ qua điện thoại di động. |
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc mang đến cho người nông dân các giải pháp tài chính hiện đại, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã triển khai hàng loạt hình thức giao dịch điện tử như I-banking, E-Mobile Banking, SMS Banking… và mới đây nhất đơn vị này đã tổ chức thu lệ phí xét tuyển đối với thí sinh Trường Đại học Tây Nguyên qua hệ thống, trong đó có I-banking, BillPayment, ATM, SMS Banking... Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, trong điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có của mạng lưới viễn thông, cùng với nguồn cung dồi dào các thiết bị điện tử hiện đại, giá cả hợp lý trên thị trường hiện nay như máy tính bảng, điện thoại thông minh có các ứng dụng hỗ trợ thuận lợi để phát triển và cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử đang là cơ hội để mở rộng thị phần cung ứng dịch vụ ngân hàng về khu vực nông thôn.
Trong khi đó, một trong những yếu tố giúp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được đánh giá là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam cũng nhờ khai thác, đáp ứng tốt các giải pháp tài chính hiện đại ở khu vực nông thôn. Theo đại diện BIDV Bắc Đắk Lắk, dịch vụ thanh toán I-banking, tuy mới phát triển từ năm 2009 đến nay, nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng trên thị trường với những thành công ở các tính năng cơ bản ban đầu (truy vấn thông tin, xem số dư, nạp tiền điện thoại) cho đến việc hỗ trợ thêm các dịch vụ gia tăng (chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng). Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán dựa trên kết nối trực tuyến với các nhà cung cấp hàng hóa cũng được mở rộng, giúp cho khách hàng mọi nơi, mọi lúc có thể mua hàng qua mạng, thanh toán hóa đơn (tiền điện, nước, học phí…), từ đó thị phần và hiệu quả kinh doanh của BIDV Bắc Đắk Lắk được cải thiện đáng kể.
Có thể nói, trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường như hiện nay, khu vực nông thôn đang mở ra cơ hội rất lớn để các ngân hàng mở rộng thị phần. Đồng thời, với những đặc điểm được cho là mới mẻ, đây cũng là “mảnh đất” để các ngân hàng thương mại thể hiện năng lực cạnh tranh của mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc