Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Tạo sức bật từ các chính sách đầu tư

09:10, 31/08/2016

Những kết quả đạt được trong công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư thời gian qua đã góp phần tạo nên một diện mạo Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc, tạo sức bật cho thành phố này trên hành trình trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên...

Từ sau Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trên địa bàn thành phố đã có nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng... và đã có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hằng năm ngân sách thành phố cân đối từ 200-500 tỷ đồng chi cho các lĩnh vực như: chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế và một số công trình phúc lợi công cộng khác... Hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng, nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư được triển khai đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ... Minh chứng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2011-2015 đạt 31.496 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2005-2010 (trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15,9%; vốn ngoài ngân sách chiếm 84,1%).

TP. Buôn Ma Thuột hôm nay.  Ảnh: Gia Thịnh
TP. Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Gia Thịnh

Mới đây nhất, ngày 12-8-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Trong danh mục kêu gọi đầu tư không thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá gồm 77 dự án thì trên địa bàn thành phố có 12 dự án, đơn cử như: Điểm du lịch hồ Ea Kao (tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái, sân golf hồ Ea Kao (tổng vốn đầu tư dự kiến 1.050 tỷ đồng); Điểm du lịch hồ Ea Tam (tổng vốn đầu tư dự kiến 451 tỷ đồng)... Đối với danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm 23 dự án thì trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có tới 21 dự án; có thể kể đến các dự án: Khu đô thị đồi Thủy Văn (tổng vốn đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng), Khu đô thị trung tâm phường Thành Nhất (tổng vốn đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng), Khu đô thị Đông Bắc Tân An (tổng vốn đầu tư dự kiến 3.950 tỷ đồng)... Đây là sự cụ thể hóa các kế hoạch thu hút đầu tư đã được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tham khảo trước khi đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về thu hút các nguồn vốn, xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển một số lĩnh vực để xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, ông Huỳnh Thủ Đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng không gian đô thị, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển, thành phố sẽ thực hiện từng bước việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để phát triển đô thị và các dự án; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng điểm mà Trung ương, tỉnh đang triển khai trên địa bàn, theo đó phát triển hạ tầng đô thị tạo vốn đầu tư từ quỹ đất trong phạm vi ảnh hưởng của các dự án này... Thành phố cũng đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật như vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, tín dụng ưu đãi, ODA… Đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực trong dân, khuyến khích xã hội hóa để thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa... theo yêu cầu phát triển và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. 

Theo Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy Buôn Ma Thuột về thu hút các nguồn vốn, xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển một số lĩnh vực để xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2020: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2020 đạt 57.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước là 12,5%, vốn ngoài ngân sách chiếm 87,5%. Xây dựng từ 2-3 khu đô thị mới, 1 chợ thành phố và 5 chợ phường, xã; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020...

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc