Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông: Góp phần giữ gìn nghề truyền thống

10:54, 25/09/2016

Năm 2001, khi được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tơng Jú, chị H’Yam Bkrông (SN 1965), Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã đề đạt ý tưởng khôi phục nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một để lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, cũng như tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho chị em trong buôn.

Từ đó, một số chị em đã đóng góp vốn để mua sợi, khung dệt và mời nghệ nhân về dạy nghề, hình thành nên một tổ hợp dệt. Thời gian sau, một số chị em ở buôn Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cũng học tập mô hình này, thành lập thêm một tổ hợp dệt ở buôn Bông.

Năm 2003, chị H’Yam đứng ra tập hợp tổ hợp dệt ở 2 buôn lại thành thành lập nên HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông để có điều kiện tương trợ lẫn nhau và có tư cách pháp nhân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

H’Yam kể: Thời ấy sản phẩm của HTX rất khó tiêu thụ do không tìm được thị trường. Để tìm được đầu ra, chị đã phải bỏ tiền túi đi từ Nam tới Bắc để giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, tiệm may, quầy lưu niệm,... Ban đầu, các cửa hàng vì cảm thông sự vất vả, khó khăn, nhẫn nại của chị trong chào hàng nên họ cho “gửi” hàng. Về sau, khách hàng dần ưa chuộng những sản phẩm của HTX bởi được làm thủ công, chất lượng dệt tốt, mẫu mã sản phẩm được cải tiến với nhiều hoa văn lạ hơn, giá thành hợp lý… Đến năm 2007, HTX đã tìm được đầu ra tương đối ổn định ở thị trường Đắk Lắk, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Các  xã viên trong HTX say mê với nghề.
Các xã viên trong HTX say mê với nghề.

Chị H’Yăm Bkrông (SN 1980), xã viên HTX tâm sự: “Ngoài công việc nương rẫy, tận dụng những lúc nhàn rỗi tôi nhận sản phẩm về nhà dệt kiếm thêm thu nhập”. Còn em H’Suế Bkrông (SN 2000) thì hồ hởi: “Là thành viên nhỏ tuổi nhất nên em được các anh chị chỉ bảo rất tận tình. Dù mới học dệt được hơn 2 tháng nhưng đến nay em đã biết dệt và làm những sản phẩm đơn giản rồi”.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của khách hàng cũng như nâng cao năng suất hoạt động, năm 2015, chị H’Yam đã tự bỏ vốn ra mua 1 máy xếp sợi, 1 máy quấn thoi và 3 máy dệt với số tiền 140 triệu đồng. Theo chị H’Yam, so với dệt thủ công thì các sản phẩm dệt bằng máy có chất lượng tương đương, thậm chí vải dệt đều hơn. Mỗi ngày một máy dệt có thể làm ra khoảng 20 m vải, năng suất cao hơn hàng chục lần, giá thành phẩm chỉ bằng 50% so với dệt thủ công.

Đến nay, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông có 42 xã viên và gần 100 lao động thời vụ với mức thu nhập khoảng từ 2-2,2 triệu đồng/người/tháng. Chị H’Yam chia sẻ: “Với khoản thu nhập này chưa dám nói là giúp nhiều chị em trong HTX thoát nghèo, nhưng ý nghĩa nhất là chúng tôi đã góp công sức để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thời gian”...    

“Hiệu quả kinh tế mà HTX mang lại có thể chưa được như mong đợi. Tuy nhiên HTX cùng với các xã viên đã gìn giữ và phát huy được ngành nghề truyền thống của dân tộc mình. Cùng với đó, HTX cũng giải quyết việc làm cho cả trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương... Chúng tôi rất quan tâm, ủng hộ và cam kết hỗ trợ về mọi mặt như tạo điều kiện cho vay vốn, đào tạo nghề miễn phí… để HTX ngày càng phát triển.”

Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.