Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

10:43, 01/09/2016

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò của mình, đồng thời luôn đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tính đến nay, mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có 43 đơn vị đang hoạt động, bao gồm 8 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước; 21 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 1 chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội; 1 chi nhánh ngân hàng Phát triển khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông; 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã và 11 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Từng tổ chức tín dụng đã nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước  hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của địa phương.
Một hộ dân ở huyện Krông Bông thoát nghèo nhờ vốn vay  từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.
Một hộ dân ở huyện Krông Bông thoát nghèo nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.

Để thu hút và tạo nguồn vốn, các tổ chức tín dụng đã tăng cường các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng bảo đảm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nửa đầu năm 2016 đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng khi lần đầu tiên vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng. Và đến hết tháng 8-2016, con số huy động đó đã đạt 33.270 tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là gần 100% số vốn trên được huy động ngay trên địa bàn tỉnh. Song song với việc huy động vốn, các tổ chức tín dụng đã bám sát đặc điểm kinh tế của địa phương để tập trung cho vay vào hai lĩnh vực chủ đạo của tỉnh là nông nghiệp – nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến hết tháng 8-2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 62.211 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay nông nghiệp - nông thôn 24.946 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm, chiếm 40,% tổng dư nợ toàn địa bàn với hơn 155.325 lượt khách hàng vay vốn; cho vay doanh nghiệp 18.491 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm 29,9% tổng dư nợ toàn địa bàn với hơn 2.888 lượt doanh nghiệp vay vốn. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, nguồn vốn huy động được của các ngân hàng luôn đồng hành và có những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bởi tốc độ tăng trưởng vốn vay này trên địa bàn tỉnh cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, qua đó cho thấy đã có sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế địa phương qua khả năng hấp thụ vốn, tỷ trọng vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng trưởng đều theo từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã tích cực trong việc cho vay đối tượng chính sách với 3.481 tỷ đồng. Trong đó cho vay hộ nghèo 1.019 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên 561 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 581 tỷ đồng... đã góp phần tạo “đòn bẩy” để khu vực nông thôn phát triển mạnh mẽ, cũng như tạo cơ hội cho các cá nhân, gia đình có thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Cũng theo ông Tăng Hải Châu, xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng là chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, cùng  với cả nước, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tiếp tục mở rộng các hình thức thanh toán, điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường để tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong chặng đường phát triển phía trước…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.