Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 35

15:46, 14/09/2016

Nhằm đổi mới môi trường kinh doanh và đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp (DN), vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, với ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

Để cụ thể hóa mục tiêu này, đối với Đắk Lắk, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề ra mục tiêu là đến năm 2020, xây dựng DN trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; toàn tỉnh có từ 10 nghìn đến 12 nghìn DN hoạt động, trong đó có khoảng 10% DN có quy mô vừa và lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp từ 30-35% tổng sản phẩm xã hội, khoảng 85% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, từ 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là tình hình hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ DN đăng ký thành lập nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả (không phát sinh thuế) lên đến 25%. Trong khi đó, nhiều DN hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài cũng là tình trạng phổ biến trong nhiều năm. Theo nhận định của Sở KH-ĐT, bên cạnh nguyên nhân khách quan như tình hình chung của nền kinh tế, hay khó khăn nội tại như quy mô DN (chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ), ngành nghề kinh doanh chưa phù hợp, thiếu vốn sản xuất… thì còn có nguyên nhân từ việc thiếu mặt bằng hoạt động, việc tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách còn khó khăn, thủ tục hành chính còn phiền hà, tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế…

Bộ phận một cửa (Cục Thuế tỉnh) tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế.
Bộ phận một cửa (Cục Thuế tỉnh) tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế.

Xuất phát từ thực tế đó, trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn từ đầu năm 2015 trở lại đây, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ DN phát triển, nhất là đối với những mặt công tác liên quan về cải thiện môi trường kinh doanh đến từng ngành, địa phương. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngành Tài chính là một trong những ngành đầu tiên đề ra chương trình hành động, với những biện pháp, chỉ tiêu cụ thể, nhất là trong cải cách hành chính (CCHC).

“DN phải được xem là “đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, mỗi cấp, ngành phải xác định DN là đối tác thật sự của mình để cùng đồng hành trên con đường phát triển”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Theo Trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) Trần Khánh Thơ, ngành đã tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến việc hỗ trợ DN là tài chính, thuế và hải quan; tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các quy trình thủ tục giải quyết liên quan đến các lĩnh vực trên theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và giảm thời gian liên hệ, đi lại cho DN. Những ngành liên quan trực tiếp đến DN như Sở Tài chính, Cục Hải quan tỉnh, Sở KH-ĐT… đều nằm trong tốp đầu thực hiện CCHC của tỉnh. Qua đó đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, đến nay, thời gian thành lập DN chỉ còn 3 ngày kể từ khi đăng ký cho đến lúc bắt đầu kinh doanh; thời gian nộp thuế của DN từ 277 giờ/năm xuống còn không quá 121,5 giờ/năm; thời gian nộp bảo hiểm không quá 49,5 giờ/năm; tích cực hỗ trợ việc khởi sự kinh doanh, trong đó thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày... Đối với các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra CCHC (Đoàn Kiểm tra 1765), đã kịp thời ghi nhận và chấn chỉnh việc thực hiện CCHC đến tận cấp xã, phường, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư đang được tỉnh rất quan tâm. Tại nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã liên tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh CCHC, giảm chi phí hành chính cho DN, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước. Với những kết quả bước đầu cùng sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, hy vọng trong thời gian tới, môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện, DN sẽ yên tâm đầu tư vốn phát triển sản xuất.                  

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc