Multimedia Đọc Báo in

"Đau đầu" với các dự án nông, lâm nghiệp - Kỳ I

09:14, 12/10/2016

Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép cho các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, phần lớn các dự án chưa mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội như kỳ vọng ban đầu mà còn để lại nhiều hệ lụy: rừng bị tàn phá, tranh chấp đất đai kéo dài, phức tạp.

Bài 1:  Dự án nhiều, hiệu quả thấp 

Huyện Ea Súp hiện nay có 28 dự án thuê đất, thuê rừng để phát triển nông, lâm nghiệp, với diện tích khoảng 21.945 ha, cụ thể gồm: 13 dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), 11 dự án trồng rừng, cải tạo và QLBVR, 1 dự án trồng cây ăn trái và QLBVR, 1 dự án chăn nuôi và QLBVR, 1 dự án trồng bông nguyên liệu, 1 dự án trại sản xuất mía giống. Theo đánh giá của UBND huyện, phần lớn các dự án trên địa bàn đều chậm tiến độ và để xảy ra nhiều sai phạm.

Hơn 18% diện tích cây trồng ở các dự án bị chết

Đến nay, các dự án trồng cao su đã triển khai trồng được 1.590 ha, bằng 24% so với kế hoạch (6.542 ha). Diện tích cao su chết 295 ha do bị cháy, ngập úng hoặc không được chăm sóc. Điển hình như dự án của Công ty TNHH Anh Quốc trồng thí điểm 100 ha cao su bị cháy, ngập úng chết hoàn toàn;  Công ty TNHH Hoàng TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát bị chết cháy 30 ha; Công ty TNHH SX XD TM Đức Tâm bị chết hơn 50 ha… Ngoài ra, theo đánh giá của UBND huyện Ea Súp nhiều diện tích cao su đã trồng tại các dự án ở địa phương sinh trưởng và phát triển kém do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp hoặc không được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật.

Tại dự án của Công ty TNHH Anh Quốc chỉ có một bảo vệ giữ tài sản, đất và rừng.   Ảnh: Vạn Tiếp
Tại dự án của Công ty TNHH Anh Quốc chỉ có một bảo vệ giữ tài sản, đất và rừng. Ảnh: Vạn Tiếp

Không chỉ riêng cao su, những dự án trồng rừng cũng chịu chung thảm cảnh khi 11 dự án  đến nay mới triển khai trồng, cải tạo được 1.149 ha bằng 25% so với quy hoạch của dự án (4.609 ha). Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cây trồng tại các dự án phát triển kém, hơn 200 ha rừng trồng  bị chết. Đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch trồng rừng, 10 dự án còn lại đều chậm so với kế hoạch đề ra. Trong đó phải kể đến dự án của Công ty TNHH TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát trồng từ năm 2011-2015 được 85 ha keo lai, nhưng bị chết 75 ha; Dự án của Công ty Cổ phần Bảo Ngọc trồng bị chết 100 ha; Công ty CP XNK Tấn Hưng bị chết 30 ha…Như vậy, tổng diện tích cao su, rừng trồng bị chết tại các dự án khoảng 495 ha, chiếm hơn 18% so với diện tích cây đã trồng (2.739 ha).

Bỏ bê dự án

Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie được UBND tỉnh cho thuê 753,8 ha đất, rừng thuộc tiểu khu 277, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp để thực hiện dự án trồng cao su, cải tạo và phát triển rừng. Theo dự án đầu tư được công ty này phê duyệt thì năm 2011 sẽ tiến hành trồng 100 ha cao su; năm 2012 trồng 200 ha rừng; 2013 trồng 227,4 ha rừng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sau khi triển khai san ủi khoảng 250 ha đất vào năm 2013, Công ty không tiến hành trồng cao su, trồng rừng theo dự án được thẩm định. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian triển khai dự án, ngày 23-9-2015, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý cho đơn vị này gia hạn thực hiện dự án tới ngày 1-7-2016, Công ty cũng cam kết đến tháng 5-2016 sẽ thực hiện trồng cao su, trồng rừng theo phương án được phê duyệt. Nhưng đến nay, Công ty vẫn không thực hiện. Công ty cũng không bố trí người bảo vệ và quản lý đất, rừng trong vùng dự án bị người dân xâm chiếm. Tính đến nay đã có 180 ha đất dự án bị người dân lấn chiếm.

Theo báo cáo của UBND xã Cư M’lan trong thời gian qua, tranh chấp đất giữa các hộ dân và Công ty xảy ra liên tục, UBND xã đã nhiều lần mời các hộ dân và Công ty đến để tìm hướng giải quyết nhưng Công ty không tham gia. Ngoài ra, từ ngày được thuê đất đến nay, Công ty cũng không nộp tiền thuê đất theo quy định với tổng số tiền 901 triệu đồng.

Diện tích trồng cao su thí điểm của Công ty TNHH Anh Quốc tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp nay chỉ còn là bãi đất trống.    										           Ảnh: Vạn Tiếp
Diện tích trồng cao su thí điểm của Công ty TNHH Anh Quốc tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp nay chỉ còn là bãi đất trống. Ảnh: Vạn Tiếp

Không chỉ tại dự án của Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie, tại một số dự án khác cũng để xảy ra nhiều sai phạm như Công ty TNHH trồng rừng 27/7 đã khai hoang 38,66 ha đất có rừng để trồng cao su khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép; Công ty Cổ phần địa ốc Tân Bình Phát trồng mì trái phép trên diện tích 40 ha đất trống…

Một người giữ hơn 1.000 ha rừng, đất rừng

Trên địa bàn tỉnh hiện, trong đó có 54 dự án đầu tư nông, lâm nghiệp có diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ với khoảng 20.939 ha. Tuy nhiên, do bất cập trong công tác quản lý bảo, vệ rừng, đến nay, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ đã bị phá hơn 3.265 ha.

Phần lớn đất cung cấp cho các dự án trên địa bàn huyện không phù hợp với việc trồng rừng và trồng cao su. Nhiều diện tích cây trồng ở các dự án đều bị chết hoặc phát triển không tốt. Việc buông lỏng quản lý đất, rừng trong vùng dự án trong nhiều năm qua đã dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất giữa người dân và chủ doanh nghiệp khiến địa phương “đau đầu” trong việc giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp

Năm 2011, Công ty TNHH Anh Quốc được UBND tỉnh cho thuê gần 1.200 ha đất, rừng để trồng thí điểm 100 ha cao su và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Có mặt tại dự án của đơn vị này, chúng tôi chứng kiến cảnh khu nhà ở, làm việc lâu ngày không sử dụng bị xuống cấp, một số căn nhà bị gió làm tốc mái nhưng không được sửa chữa. Đi vào vùng rừng quản lý của dự án, không khó để bắt gặp những gốc cây, thân cây cành ngọn nằm bị đốn hạ ngổn ngang. Đa phần những cây gỗ có được kính lớn đã bị khai thác, chỉ còn lại những cây nhỏ ít giá trị. Tại đây, chỉ có một mình ông Đỗ Bá Trường được thuê để bảo vệ tài sản, đất, rừng của toàn bộ dự án. Hỏi ông một mình như thế lỡ may lâm tặc họ kéo vào phá rừng thì sao? Ông bảo: “Thì mình báo cho chính quyền địa phương, chứ một mình làm sao mà ngăn chặn được”. Cũng chính vì điều này, trong đợt kiểm tra gần đây nhất, diện tích rừng của Công ty này đã bị chặt phá, lấn chiếm 83 ha. 

 Không chỉ riêng dự án của Công ty TNHH Anh Quốc mà nhiều dự án diện tích rừng tự nhiên nằm trong diện khoanh nuôi cũng bị chặt phá, bao chiếm, cá biệt ở một số dự án, những diện tích rừng này cơ bản đã bị xóa sổ, điển hình như rừng của Công ty TN Phát Đạt (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) giảm 105,8 ha/148,8 ha chiếm 73%...

Ngoài ra, do công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng ở dự án lỏng lẻo dẫn đến tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất dự án diễn ra hết sức phức tạp. Trong đợt kiểm tra mới đây của UBND huyện Ea Súp hầu hết các dự án chỉ bố trí 1-3 người trông coi dự án và tài sản, cá biệt nhiều Công ty còn không có bảo vệ trông coi dự án như dự án của Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie, Công ty XNK Tấn Hưng. Do lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm như: dự án của Công ty TNHH Minh Hằng (68,8 ha), Doanh nghiệp tư nhân Phát Đạt (40 ha), Công ty TNHH Gia Huy (65 ha)... Tình trạng lấn chiếm đất của các dự án cũng “nóng” không kém, đã có 447 ha đất bị người dân bao chiếm, tranh chấp với các chủ dự án, cá biệt như Công ty TNHH Gia Huy được giao 698 ha đất, đất rừng nhưng đến nay chỉ trồng được 190 ha cao su và keo lai, vì diện tích còn lại đã bị người dân bao chiếm hết.

 

(Còn nữa)

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.