Multimedia Đọc Báo in

Hướng phát triển khu chăn nuôi tập trung

08:00, 11/10/2016

Nhằm từng bước xóa bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang quy mô trang trại ngoài khu dân cư theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung.

Hiệu quả từ khu chăn nuôi tập trung

Trước đây, do thói quen, tập quán nên người dân xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) thường chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư; đặc biệt là trong khuôn viên gia đình để tiện bề chăm sóc cũng như tiêu thụ sản phẩm, do đó không tránh khỏi việc nảy sinh nhiều vấn đề như chất thải không được xử lý, xả thẳng ra ao hồ, kênh mương. Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi thả rông đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi kém... Dẫu biết những tác hại đó nhưng chính quyền địa phương chỉ có thể nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ đến khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó thực hiện quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với tổng diện tích hơn 60 ha mới giải quyết được thực trạng trên.

Trang trại chăn nuôi heo của hộ ông Vũ Ngọc Đẩu (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) là một trong hai hộ  đã di dời vào khu chăn nuôi tập trung.  Ảnh: Thúy Hồng
Trang trại chăn nuôi heo của hộ ông Vũ Ngọc Đẩu (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) là một trong hai hộ đã di dời vào khu chăn nuôi tập trung. Ảnh: Thúy Hồng

Bà Trịnh Thị Hồng Loan là một trong những hộ dân đầu tiên di dời trang trại chăn nuôi của gia đình mình vào khu quy hoạch tập trung của xã nhớ lại, trước đây dù chăn nuôi heo với quy mô nhỏ nhưng vẫn không thể tránh được tình trạng gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Do đó, năm 2011, khi xã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo ở đây với diện tích gần 500 m2, tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Nhờ vậy gia đình bà không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khu dân cư. Đến nay tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đều được chuyển vào khu quy hoạch và thực hiện quy trình xây dựng chuồng trại an toàn, bảo đảm vệ sinh.

Cũng như xã Hòa Thuận, từ nhiều năm nay, người dân xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã phát triển mạnh mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và an toàn sinh học, chính quyền xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung; qua đó, đã di dời 21/21 trang trại chăn nuôi trên địa bàn vào khu quy hoạch. Hơn 2 năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã đã được khắc phục bởi hầu hết các trang trại nhờ liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (chi nhánh Đắk Lắk) nên luôn bảo đảm các yếu tố: nhiệt độ ổn định, chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh phòng dịch chặt chẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn thế nữa, tất cả các khu chăn nuôi này nằm xa khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải nên không còn tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải gia súc, gia cầm.

Cần những chính sách hỗ trợ

Có thể nói, việc quy hoạch và thực hiện việc di dời các hộ chăn nuôi vào khu tập trung diễn ra khá thuận lợi ở xã Hòa Thuận hay Hòa Thắng. Tuy nhiên, với một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, ngoài việc thiếu quỹ đất, kinh phí để quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi tập trung thì có những xã dù đã vượt qua được trở ngại này lại gặp khó khăn trong việc thu hút sự tham gia, di dời các trại chăn nuôi của các hộ gia đình.

Khu quy hoạch chăn nuôi tập trung ở xã Cư Ni (huyện Ea Kar) chưa được lấp đầy do các trang trại chăn nuôi chưa di dời vào.
Khu quy hoạch chăn nuôi tập trung ở xã Cư Ni (huyện Ea Kar) chưa được lấp đầy do các trang trại chăn nuôi chưa di dời vào.

Đơn cử như ở xã Cư Ni (huyện Ea Kar), mặc dù đã quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi tập trung từ nhiều năm nay với diện tích 12,8 ha (hơn 3 ha được quy hoạch thành khu giết mổ gia súc gia cầm), nhưng đến nay chỉ mới có 2 hộ chăn nuôi di dời vào khu vực này với diện tích sử dụng hơn 1 ha. Trên thực tế, toàn xã có trên 30 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại cần phải tập trung vào khu quy hoạch. “Trước đó, để nhân dân nắm bắt được chủ trương, chính quyền xã liên tục tuyên truyền về việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung giúp mọi người biết và đăng ký tham gia; đồng thời, tích cực vận động các hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại di dời vào khu vực tập trung để phát triển, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường”, ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Ni cho biết. Ngoài ra, UBND xã còn tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục cho các hộ đăng ký tham gia chuyển đổi nhưng hầu hết các hộ dân vẫn chưa thực hiện việc di dời.

Được biết, việc di dời các trang trại chăn nuôi vào khu quy hoạch tập trung hiện đang là trở ngại đối với nhiều hộ dân ở xã Cư Ni nói chung, các địa phương khác nói riêng. Lý do là vì không ít hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại nay phải làm lại từ đầu; trong khi đó các chính sách hỗ trợ kinh phí di dời dường như chưa được quan tâm.

Do vậy, để khuyến khích các hộ chăn nuôi vào khu quy hoạch tập trung ngoài việc hỗ trợ cho các địa phương, các cấp, ngành cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn về kết cấu hạ tầng, cũng như có các chính sách hỗ trợ người dân trong việc di dời.  

Khu chăn nuôi tập trung không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cả về mặt môi trường, xã hội, lại tránh được những xích mích trong khu dân cư do ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gây ra…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc