Multimedia Đọc Báo in

Cho vay tái canh cà phê ở huyện Cư Kuin đạt thấp, vì sao?

09:23, 15/11/2016

Theo UBND huyện Cư Kuin, toàn huyện hiện có gần 1.200 hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh trên 860 ha cà phê. Hầu hết diện tích cà phê này đã được trồng trước những năm 1980, hiện năng suất và chất lượng đạt rất thấp.

Đặc biệt, do các vườn cây đã quá già nên khó thực hiện lai ghép, cải tạo mà buộc phải nhổ bỏ. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện mới chỉ có 3 hộ được giải ngân theo chương trình vay tái canh, với số tiền khiêm tốn 77 triệu đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Cư Kuin Trần Văn Tý cho biết, sở dĩ kết quả giải ngân thấp như vậy là do hầu hết các hộ dân trong danh sách cần vay vốn đều không đáp ứng được quy định mà chương trình này đề ra. Đáng chú ý, là quy định về việc vườn cà phê trong quá trình tái canh, nhất là trong giai đoạn xử lý tuyến trùng đất, không được phép trồng xen các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Căn cứ vào danh sách do UBND huyện Cư Kuin lập, phía ngân hàng đã đến từng hộ gia đình để thẩm định điều kiện cho vay. Tuy nhiên, hầu hết các vườn cây trong danh sách đăng ký vay tái canh đều đã trồng hồ tiêu mà không thực hiện xử lý tuyến trùng đất theo quy định và khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nên ngân hàng không thể cho vay.

Còn đối với các nông hộ, do giá hồ tiêu lên cao nên họ đã tận dụng triệt để diện tích đã nhổ bỏ cà phê giã cỗi để trồng hồ tiêu. Ông Nguyễn Duy Nhiêu (thôn 4, xã Ea Ning) có 2 ha cà phê già cỗi đã đăng ký vay vốn tái canh trong đợt 1 (năm 2014), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cũng vì nguyên nhân trên. Ông Nhiêu cho biết, để có thể tái canh cà phê đúng quy trình, cần phải có ít nhất 2 năm xử lý đất. Trong thời gian đó, nếu chỉ trồng các loại cây ngắn ngày thì lãng phí đất, nên gia đình ông đã trồng cây muồng đen và bắt đầu xuống giống tiêu được hơn 1 năm nay. Ông Nhiêu lý luận, việc trồng cây muồng đen cho tiêu bò lên vừa có tác dụng chắn gió, mà vẫn bảo đảm sau này cây cà phê phát triển tốt nên việc ngân hàng không xét cho vay là không hợp lý. Suy nghĩ của ông Nhiêu cũng là suy nghĩ chung của số đông nông hộ huyện Cư Kuin. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc trồng cây công nghiệp dài ngày ngay trong thời gian cải tạo đất sẽ khiến tuyến trùng rễ không bị tiêu diệt  triệt để. Do vậy khi trồng cà phê xuống, tỷ lệ cây chết sẽ rất cao, về lâu dài, cây cà phê cũng bị ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ. Quy trình tái canh đã được Cục Trồng trọt nghiên cứu và thực nghiệm kỹ lưỡng trước khi ban hành nên cần phải được tuân thủ nếu muốn tái canh cà phê thành công.

Với thực tế đang diễn ra tại huyện Cư Kuin, có thể nói, chương trình tái canh cà phê nhiều khả năng sẽ đi đến thất bại. Bởi khi giá hồ tiêu đang rất cao, việc nông dân ồ ạt trồng là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng xét về lợi ích lâu dài, việc tái canh cà phê là điều cần thiết nên địa phương cần có biện pháp tuyên truyền để người nông dân thực hiện đúng khuyến cáo của các nhà khoa học để có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tái canh. 

Theo đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk, để chương trình tái canh cà phê được triển khai thuận lợi, các nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc bãi bỏ dần nhiều quy định được cho là cứng nhắc trước đây. Riêng những tình huống như đang diễn ra ở huyện Cư Kuin, chắc chắn sẽ không thể có thêm sự “nhượng bộ”, bởi hậu quả sẽ rất lớn khi vừa không có vườn cà phê mới, vừa mất vốn.


Giang Nam


Ý kiến bạn đọc