Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2016 – 2017: Nỗi lo thất thu do hạn hán

08:51, 20/11/2016

Niên vụ cà phê 2016 – 2017 bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Theo dự báo, đợt hạn hán vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cà phê của tỉnh...

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ở thôn 1, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) có khoảng 2 ha cà phê. Những ngày qua, chị Nhung không khỏi lo âu khi thấy lượng cà phê thu được trên mỗi cây năm nay ít hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Chị Nhung lo lắng: “Do hạn hán, không đủ nước tưới nên sản lượng cà phê năm nay thấp hơn năm trước. Giá cà phê mặc dù có có tăng nhưng sản lượng giảm thế này thì gia đình tôi lại thất thu mất thôi…”.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, trong niên vụ cà phê 2015 – 2016 có khoảng 17.000/36.000 ha cà phê bị ảnh hưởng bởi hạn hán (trong đó hơn 1.000 ha mất trắng, còn lại giảm năng suất). Dự kiến sản lượng cà phê của huyện trong niên vụ này sẽ giảm khoảng 30%.

Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) thu hoạch cà phê.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, đây là niên vụ thứ 3 liên tiếp huyện Cư M’gar mất mùa cà phê do hạn hán. Trước đây nếu trung bình sản lượng của toàn huyện Cư M’gar vào khoảng 84.000 tấn thì hiện nay chỉ còn khoảng 60.000 tấn. Ông Mười cho hay, trong tháng 11 này, Phòng NN-PTNT huyện sẽ thành lập tổ công tác để đánh giá lại thiệt hại chung của toàn huyện và tham mưu UBND huyện ra văn bản nhắc nhở bà con thu hái cà phê chín trên 85% theo tiêu chí sản xuất cà phê bền vững; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cà phê trong mùa thu hoạch. Hiện toàn huyện có khoảng 4.700 ha cà phê trồng trên thổ nhưỡng không phù hợp, thiếu nước tưới cần phải chuyển đổi cây trồng khác.

Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn tỉnh,  trong mùa mưa 2016 này, có những vùng lượng mưa chỉ mới đạt từ 81 đến 86% so với trung bình nhiều năm. Điều này gây khó khăn trong việc bảo đảm lượng nước tưới cho cây cà phê, đặc biệt là trong mùa khô 2017. 

Theo đánh giá của ông Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đợt hạn vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp tại vùng Tây Nguyên. Ước tính có khoảng 100.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó cà phê bị nhiều nhất từ 70 đến 80%. Tuy nhiên, hạn cũng là một cơ hội để quy hoạch lại diện tích trồng cà phê của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Theo ông Trần Vinh, qua đợt hạn vừa rồi, chính bản thân người dân cũng cần quy hoạch lại việc trồng cà phê. Nếu thấy vùng đất của mình thường xuyên thiếu nước vào mùa khô thì cần chủ động chuyển đổi cây trồng những cây cần ít nước hơn như bơ, sầu riêng... nhưng vẫn cho giá trị kinh tế cao.

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhận định sản lượng cà phê của tỉnh năm nay có nguy cơ sụt giảm từ 10 đến 15%. Nhằm bảo đảm sản lượng cà phê của tỉnh đạt kế hoạch, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng và phòng nông nghiệp các huyện thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để chủ động trong vấn đề nước tưới; tuyên truyền cho bà con và các cấp phải tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý trong việc tưới cho cây cà phê và cây trồng các loại nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.    

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.