"Nóng" trên các lưu vực sông Mê Kông
Trước tình hình kiệt nước của sông Mê Kông và sự xâm nhập mặn ngày càng lan rộng tại các tỉnh, thành Nam bộ trong thời gian qua, mới đây Ngân hàng thế giới (WB) đã tài trợ cho Chính phủ Việt Nam 25 triệu USD để thực hiện Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Kông” với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 10 tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, việc quản lý tổng hợp và điều phối tài nguyên nước sông Mê Kông cũng đang được Bộ Tài nguyên-Môi trường xây dựng và nghiên cứu khả thi, trình Chính phủ phê duyệt nhằm “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên nước dồi dào của các lưu vực trên.
Tất nhiên, để “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này, nhiều chuyên gia cho rằng phải có sự tiếp cận đa ngành, đa quốc gia về việc quản lý, phát triển tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực, chứ không nên tiếp cận riêng lẻ từng quốc gia, lĩnh vực ngành nghề như hiện nay. Ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận đa ngành sẽ ít tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên nước, góp phần tái tạo bền vững môi trường thiên nhiên trong khu vực, đồng thời kiểm soát được lũ lụt, bảo đảm thủy nông và nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Đặc biệt, đối với việc quy hoạch, xây dựng thủy điện trên các lưu vực sông Sê Kông, Sê San và Sêrêpôk - nhiều ý kiến cho rằng, phải tuân thủ và áp dụng nghiêm các tiêu chí môi trường, đồng thời phải có những công cụ hỗ trợ hữu hiệu (như thông tin đánh giá và kiểm chứng các tác động môi trường) cho quá trình sử dụng tài nguyên nước ở đây. Bởi thực tế cho thấy, nếu không đưa ra những tiêu chí môi trường có tính chất bắt buộc ấy thì việc quy hoạch và xây dựng mạng lưới thủy điện trên hệ thống sông Sê Kông, Sê San, Sêrêpôk theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như thời gian qua sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp hơn, trong đó nổi lên vấn đề đáng quan tâm nhất là mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành nghề tất yếu sẽ xảy ra.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đánh giá: Các lưu vực sông Sê Kông, Sê San và Sêrêpôk có diện tích gần 80.000 km2 (bao gồm phần lãnh thổ của Lào - Campuchia - Việt Nam), hằng năm đóng góp khoảng 17% lưu lượng nước cho sông Mê Kông. Lưu vực này có tiềm năng thực sự cho việc phát triển nông - lâm nghiệp, thủy điện, thủy sản, du lịch sinh thái... và tiềm năng của nó không thua kém với bất kỳ lưu vực nào trong khu vực Đông Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, nhiều vùng nằm trong lưu vực như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đang có sự phát triển nhanh chóng trên các mặt kinh tế - xã hội nhờ được chia sẻ và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên nước ở đây. Song, tình trạng suy giảm nguồn nước, mất cân bằng sinh thái và sự không công bằng trong việc phân chia nguồn lợi kinh tế ở các lưu vực này đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc