Multimedia Đọc Báo in

Thành triệu phú từ mô hình trồng nấm sạch

09:16, 03/12/2016

Trải qua nhiều nghề, từ trồng cà phê, chạy xe ôm…, niềm đam mê với những bụi nấm đã đưa anh Phùng Văn Nhớ (sinh năm 1974, trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) sang một ngã rẽ khác.

Bắt đầu từ suy nghĩ, trên địa bàn tỉnh có nguồn phế thải như mùn cưa, cây sắn, vỏ trấu, thân rơm… rất nhiều mà bỏ đi sẽ vô cùng lãng phí, nếu tận dụng để nuôi trồng nấm thì rất tốt, thế là anh tìm sách để học hỏi về kỹ thuật làm nấm. Hễ nghe nói ở đâu có tài liệu về nấm là anh lại tìm mua cho bằng được. Năm 2000, anh quyết tâm mở trang trại nấm không vì mục đích kinh tế mà để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng khó ở chỗ, mỗi lần muốn trồng nấm thì phải mua giống tận Đồng Nai chuyển lên, vừa mất thời gian lại tốn phí vận chuyển. Sẵn niềm đam mê với nấm, anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc, cách thức lai tạo ra các giống nấm từ những bụi nấm mọc trong tự nhiên.

Trại nấm của anh Phùng Văn Nhớ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trại nấm của anh Phùng Văn Nhớ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Suốt ngày, anh Nhớ ngồi trong phòng thí nghiệm với những chai lọ, tự mày mò, lai tạo, nuôi cấy để hình thành nên những phôi nấm. 1 năm sau đó anh đã tự cấy thành công những loại giống nấm như nấm mèo, sò, bào ngư. Không dừng lại ở đó, trong một lần về Quảng Nam thăm chơi, anh bắt gặp bụi nấm linh chi hái từ rừng về và quyết tâm lai tạo ra loại nấm quý này. 

Năm 2003, những bụi nấm linh chi đầu tiên do chính tay anh lai tạo ra đời, anh mừng đến không cầm nổi nước mắt. “Đó là thành quả của bao nhiêu ngày ngồi trong phòng kín, rồi chờ đợi đến mất ăn mất ngủ...”- anh Nhớ chia sẻ.

Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên có không ít lần, phôi bị mốc, tơ nấm không mọc lên được, dần dần, anh liên tục cải tiến sao cho phù hợp với khí hậu địa phương và tận dụng mùn cưa, vỏ trấu, bắp… để tăng thêm chất dinh dưỡng, bảo đảm cho cây nấm phát triển khỏe mạnh, bông dày và to.

Thành công bước đầu đã giúp anh mạnh dạn nhân giống và mở rộng quy mô trại nấm. Anh Nhớ bây giờ đã là chủ của trại nấm hơn 0,5 ha trên đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Linh Chi Việt. Trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung ứng ra thị trường trên 3 tấn nấm tươi và gần 1 tấn nấm khô các loại, ngoài ra, còn cung cấp phôi giống cho các cơ sở trồng nấm khác.

Sản phẩm anh làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn phục vụ người tiêu dùng ngoại tỉnh với giá 25.000-30.000 đồng/kg nấm sò và bào ngư tươi, 90.000 đồng/kg nấm mèo khô, 1 triệu đồng/kg nấm linh chi khô. Đây là sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu cao bởi nấm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trại nấm đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20 lao động tại địa phương.

Theo anh Nhớ, do sản xuất theo quy trình khép kín, chủ động được từ khâu nguyên liệu, chọn giống đến nuôi trồng nên nấm của trang trại không dùng chất bảo quản, kích thích hay bất cứ hóa chất gì. Từ khi cấy mô, lên phôi cho đến khi bụi nấm hình thành mất từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng (tùy loại). Trồng nấm không tốn quá nhiều diện tích và công chăm sóc nên được coi là mô hình phù hợp với nhiều gia đình ở đô thị. Người tiêu dùng có thể tự sản xuất nấm bằng cách mua bịch phôi (2.500-3.500 đồng/bịch) về trồng, ngày tưới hai lần và bảo đảm ánh sáng, độ ẩm đúng kỹ thuật…   

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.