Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Bông: Gian nan lộ trình về đích

14:15, 31/12/2016

Sau gần 6 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của huyện Krông Bông đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện… Tuy nhiên, việc thực hiện một số tiêu chí NTM ở đây vẫn gặp không ít khó khăn khiến khả năng “cán đích” đúng lộ trình là rất khó.

“Khát” vốn

Hòa Sơn được chọn là xã điểm xây dựng NTM của huyện Krông Bông nhưng đến thời điểm này mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Đình Sâm, Chủ tịch UBND xã, hằng năm nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM đầu tư về xã Hòa Sơn rất ít, không đủ để sửa chữa, nâng cấp một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như: lưới điện, trường học, đường giao thông… chứ chưa nói đến chuyện làm mới. Riêng năm 2016, xã được đầu tư 400 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để sửa chữa, nâng cấp một số trường học và được cấp 400 triệu đồng để làm mới 600 m đường giao thông nông thôn. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của xã là thực hiện các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở văn hóa… Đây là các tiêu chí phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của người dân. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển sản xuất khó khăn, diện tích đất đai ít, lại bạc màu, chỉ trồng được các loại cây như lúa nước, hoa màu và ít diện tích cà phê; các loại hình dịch vụ kém phát triển nên khó kêu gọi vốn xã hội hóa… Toàn xã có 15 thôn, buôn với 2.172 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 32%, thu nhập trên đầu người khoảng 17 triệu đồng/năm.

Đối với các xã Cư Đrăm, Yang Mao, Cư Pui… thì chương trình xây dựng NTM còn gặp khó khăn hơn nhiều. Bởi đây là các xã vùng sâu, vùng xa, số hộ dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao từ 60-80% (chủ yếu là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào). Riêng xã Cư Đrăm hiện có 1.680 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 78%; toàn xã còn gần 30% hộ nghèo. Đến nay, xã mới đạt 7/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cư Đrăm có 5 buôn người dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Trong khi đó, vốn đầu tư của chương trình xây dựng NTM cấp về ít, xã phải sử dụng vốn lồng ghép từ các chương trình khác, song chủ yếu chỉ hỗ trợ cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, không đủ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các tiêu chí về giao thông nông thôn, môi trường, hộ nghèo, thu nhập… không biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Người dân làm lúa ở xã Yang Reh vất vả là vậy nhưng cũng dễ mất mùa do thiên tai, dịch bệnh,  đầu ra lại không ổn định nên điều kiện kinh tế luôn khó khăn.
Người dân làm lúa ở xã Yang Reh vất vả là vậy nhưng cũng dễ mất mùa do thiên tai, dịch bệnh, đầu ra lại không ổn định nên điều kiện kinh tế luôn khó khăn.

Khó “cán đích” đúng lộ trình

Theo lộ trình đến năm 2020 huyện Krông Bông phải có ít nhất 2 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, song đến nay tỷ lệ thực hiện các tiêu chí đạt khá thấp. Toàn huyện có 247 tiêu chí NTM, nhưng hiện mới có 111 tiêu chí được hoàn thành (bình quân mỗi xã đạt 8,5 tiêu chí). Năm 2016 huyện Krông Bông chỉ hoàn thành thêm 11 tiêu chí, trong khi đó theo kế hoạch đề ra là phải hoàn thành ít nhất 24 tiêu chí (tỷ lệ đạt chưa bằng 50% so với kế hoạch).

Ông Hồ Sỹ Quang, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Krông Bông cho biết, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM ở địa phương là do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do nguồn vốn cấp về huyện hằng năm quá ít. Cùng với đó thì một bộ phận không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, thiếu sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa bền vững; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện không nhiều, quy mô nhỏ nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không cao, khó giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân…

Để huy động sức dân trong xây dựng NTM, mục tiêu của huyện Krông Bông đề ra là phải triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Theo đó, thời gian qua, các ngành chức năng huyện đã phối hợp với chính quyền các xã thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các giải pháp đó chỉ có thể giúp người dân phần nào nâng cao đời sống chứ chưa thực sự phát huy hết hiệu quả như mong đợi.

Theo ông Quang, vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước cần hỗ trợ vốn xây dựng NTM kịp thời cho huyện; cần có chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, thủy sản… có như vậy thì tình trạng chậm tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn huyện mới được khắc phục.

Qua gần 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện Krông Bông vẫn chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí NTM, tỷ lệ thực hiện các tiêu chí đạt khá thấp so với mức bình quân của cả tỉnh. Toàn huyện mới chỉ có 1 xã đạt 12 tiêu chí (Hòa Sơn), 2 xã đạt 11 tiêu chí (Hòa Thành, Khuê Ngọc Điền), 2 xã đạt 9 tiêu chí (Hòa Tân, Dang Kang) còn lại 8 xã đạt từ 7-8 tiêu chí.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc