"Cõng" chợ về buôn…
Mỗi năm cứ từ đầu tháng 10 âm lịch là anh Đoàn Văn Hùng (sinh năm 1979, quê ở Thái Bình) lại chuẩn bị nguồn hàng, “khăn gói” vào Đắk Lắk, tìm thuê xe tải rồi cho hết thảy hàng hóa lên trên đó đi bán khắp các huyện trong tỉnh.
Năm nay cũng vậy, “chợ di động” của anh dừng lại ở khoảng đất trống bên đường ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar để bán đồ may mặc. Bán lâu nên đã trở thành chỗ thân quen, cứ cuối năm, khi những cơn gió lạnh thổi về, bà con lại “ngóng” xe hàng của anh lên để mua cho bằng được chiếc áo phao, áo khoác, cái quần kaki, bộ áo sơ mi mới mặc Tết. Theo nghề này đã 20 năm, lâu dần, anh trở thành người tư vấn, chọn trang phục cho khách lúc nào chẳng hay.
Anh Hùng cho biết, làm nghề này, cứ chất hàng lên xe mà đi, đến mỗi địa điểm thường dừng lại vài ba ngày hoặc 1 tuần để bán, hết huyện này sang huyện khác, đi đến khi nào thấy xe nhẹ thì về. Xe càng nhẹ thì lòng càng vui. Vì là bán hàng ở miền núi nên giá thường phải rẻ, hơn nữa, có nhiều loại áo ấm do anh nhập ở tận miền Bắc, nhiều mẫu mã và bền đẹp, bà con ở đây thường nghèo nên quần áo mặc bền thì họ mới thích.
Khách chọn mua hàng tại "chợ di động" của anh Đoàn Văn Hùng. |
Tương tự, “chợ thực phẩm” trên chiếc xe Dream cũ kỹ của chị Nguyễn Thị Hương (TP. Buôn Ma Thuột) mấy năm nay len lỏi khắp vùng quê, người dân hay gọi chị là chị Hương “hai sọt”. Cứ tầm 1 giờ sáng, chị lại có mặt ở chợ sỉ Buôn Ma Thuột mua thịt, cá, rau, quả, đồ khô… cho tất cả vào 2 chiếc sọt lớn treo trên yên sau xe, vượt hơn 30 km rẽ vào các buôn làng ở huyện Cư M’gar để bán cho bà con. “Sọt hàng di động” của chị Hương chỉ bán những thứ cần thiết dùng trong ngày và mang đến tận nơi để bán nên tiện lợi hơn cho những người ngại đến chợ hoặc nhà cách chợ xa quá. Chị Hương cho hay, vì là “chợ quê” nên giá các loại thực phẩm của chị không đến mức đắt đỏ, do nhập được nguồn hàng tận gốc, lại không phải tốn tiền thuê mặt bằng nên chị bán được với giá mềm cho bà con.
Điều đặc biệt ở những “chợ” di động là phục vụ “thượng đế” ở tận những vùng sâu vùng xa và có khi chẳng có “một xu” dính túi. Họ thường mua nợ vài hôm có tiền thì trả hoặc đợi đến mùa cà phê, mùa lúa rồi trả luôn một lần. Chị Hương kể, đồng bào ở vùng sâu không giống như ở phố thị, chỉ vào vụ thu hoạch nông sản thì họ mới có chút tiền trong túi chứ ngày thường thì rất khó khăn. Bán buôn như chị, chấp nhận cho nợ thì mới duy trì được khách nhưng được cái, bà con rất giữ chữ tín, hơn 5 năm theo nghề này, chị chưa bị ai “xù” nợ bao giờ.
Trên thực tế, dù ngày nay, những tuyến đường giao thông đã được mở đến tận thôn, buôn; chợ cũng có đủ các loại hàng hóa nhưng với nhiều người, khi nào thật cần thiết thì đến chợ, còn không, nếu chỉ mua nhu yếu phẩm hằng ngày thì họ chờ các “sọt hàng di động” đến để mua cho tiện. Thậm chí, có người vẫn thích mua hàng ở các xe bán hàng di động vì đôi khi nó còn có những món hàng từ miền xuôi chở lên, trở thành thứ “đặc sản” mà không phải chợ nào trong xã cũng có được…
Chẳng biết từ bao giờ, “chợ di động” như của anh Hùng, chị Hương xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các vùng nông thôn như một nhịp cầu trong lưu thông hàng hóa, giúp việc mua sắm của người dân nơi đây trở nên thuận lợi hơn.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc