Những hạt "trân châu" trong vương quốc cà phê
Có một loại hạt cà phê mà các nhà chế biến rang xay cà phê gọi là những hạt “trân châu” trong vương quốc cà phê. Đó chính là hạt cà phê Culi, tên tiếng Anh là Caracoli, tiếng Tây Ban Nha là Peaberry và người dân Đắk Lắk quen gọi là cà phê bi.
Theo nhiều nông dân trồng cà phê, cà phê Culi không phải là một dòng cà phê riêng biệt, không phải là một chủng loại cà phê mà đơn giản chỉ là những trái cà phê chỉ có một nhân duy nhất, một hạt to và tròn đầy đặn. Còn theo giải thích của các nhà khoa học về cà phê Culi, thông thường một trái cà phê chín sẽ chứa hai nhân, hạt cà phê nhân dẹt; song khi một trong hai noãn của nhân không phát triển, noãn còn lại không bị áp lực sẽ phát triển tạo thành một hình dạng tròn đầy đặn, chiếm toàn bộ không gian trong nhân của trái cà phê thì được gọi là hạt cà phê Culi - cà phê bi. Trái cà phê bi được coi là trái đột biến và có thể xảy ra ở bất kỳ giống cà phê nào. Cà phê đột biến tương đối hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 2-3% trong vụ mùa. Sau khi thu hoạch và sơ chế, hạt cà phê bi được lựa tách riêng, thường là những hạt tròn nhỏ lọt sàng và bán riêng với giá bán cao hơn. Đặc biệt, cùng một chủng loại cà phê nhưng những trái cà phê đột biến ấy thường có hương vị khác hoàn toàn so với những hạt cà phê khác cùng chủng loại.
Cà phê bi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2-3% trong vụ mùa. |
Theo chị Nguyễn Thị Thu, chủ một hãng cà phê bột nguyên chất ở huyện Cư M’gar, hương vị của cà phê bi độc đáo hơn so với các hạt cà phê thông thường khác. Do sản lượng hiếm và do hương vị độc đáo nên cà phê bi được những nhà rang xay cà phê ví như những hạt “trân châu”. Hạt cà phê đột biến này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2% trong vụ mùa, nghĩa là 1 tạ cà phê nhân xô chỉ có được 2 kg cà phê bi. Chị Thu chia sẻ: “Người rang xay nào cũng thích tìm mua bằng được cà phê bi, dẫu giá cao để tạo ra sản phẩm riêng. Để bảo đảm chất lượng, cà phê bi phải được tách riêng khỏi các hạt cà phê dẹt và rang riêng, sau đó được bán như là một dòng cà phê riêng biệt với giá bán cao hơn cà phê cùng chủng loại tương ứng. Còn chị Nguyễn Thị Lệ, chủ một hãng cà phê bột ở TP. Buôn Ma Thuột thì cho biết, cà phê bi thông dụng cũng có 2 loại: cà phê bi Robusta và cà phê bi Arabica. Cà phê bi Robusta có vị đắng và mạnh hơn so với cà phê Robusta hạt dẹt; cà phê bi Arabica thì có vị chua thanh độc đáo, mùi hương thơm hơn cà phê Arabica hạt dẹt.
Tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2017 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, cà phê bi đã được các hãng chế biến rang xay cà phê bột giới thiệu như một loại cà phê quý hiếm. Ngoài ra, trên những bộ áo dài trong bộ sưu tập “Hạt ngọc Ban Mê” được giới thiệu tại Lễ hội Cà phê năm nay, những hạt cà phê bi có kích thước khác nhau với nhiều màu sắc như nâu đen, nâu nhạt, đen đã được nhà thiết kế sử dụng để kết thành những sợi dây chuyền đeo cổ, đeo tay hoặc đính cầu kỳ trên viền cổ áo, tà áo dài đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người thưởng lãm…
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc