Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân làm ăn giỏi ở Krông Pắc

08:41, 27/03/2017

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Hội Nông dân huyện Krông Pắc phát động đã được triển khai sâu rộng đến các cấp hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu từ nấm

Theo chân cán bộ khuyến nông của huyện, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đại (thôn Quảng Tân, xã Ea Hiu) - một trong những hộ làm giàu nhờ mô hình trồng nấm thương phẩm. Trước đây hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn khi phần lớn diện tích đất canh tác cằn cỗi, bạc màu không phù hợp với cây cà phê hay hồ tiêu. Mặt khác, vốn sản xuất lại không có nên ông loay hoay mãi vẫn không tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp. Ông Đại cho biết, trong một lần xuống tỉnh Đồng Nai thăm người quen, nhận thấy mô hình trồng nấm thương phẩm tại đây rất phù hợp với gia đình mình nên ông nhờ người quen từ Đồng Nai về tận Đắk Lắk để hướng dẫn các kỹ thuật liên quan đến việc trồng nấm cho gia đình mình.

Anh Nguyễn Văn Đại kiểm tra sự phát triển của các loại nấm.
Anh Nguyễn Văn Đại kiểm tra sự phát triển của các loại nấm.

Ban đầu, gia đình ông trồng nấm mèo, nấm sò trên một diện tích nhỏ; rồi cứ thế lấy nấm “nuôi” nấm, đến nay gia đình ông đã có một trang trại nấm rộng khoảng 4.000 m2 với trên 10 loại nấm, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn nấm thương phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông còn thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trại nấm của gia đình ông Đại còn vận động, hướng dẫn thêm 3 hộ khác trong thôn làm nấm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và gần 10 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhanh nhạy với mô hình  trồng trọt kết hợp dịch vụ thu hoạch lúa

Gia đình ông Y Biêng Niê (SN 1974, ở buôn Kniêr, xã Tân Tiến) cũng là một trong những điển hình về nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, với mô hình trồng trọt kết hợp với dịch vụ thu hoạch lúa nước. Ông Y Biêng nhớ lại, khoảng 10 năm trước đây, gia đình ông cũng tập trung vào chăn nuôi heo, trồng cà phê, lúa nước… nhưng với quy mô nhỏ lẻ, lại chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, nhận thấy người dân gặp khó khăn khi tìm nhân công, chi phí lại cao… trong việc thu hoạch lúa, nên ông đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con trong xã.

Theo thời gian, thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả cao, nhu cầu của người dân còn lớn nên gia đình ông cải tạo 2 máy gặt trước đó thành máy chuyên chở lúa và tiếp tục đầu tư mua thêm 6 chiếc máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ thu hoạch lúa cho nông dân trong huyện và tỉnh. Nhờ thu nhập cao nên gia đình ông có vốn để mua thêm ruộng đất, đầu tư chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng hồ tiêu… Đến nay, với 2,5 ha lúa nước, 1 ha cà phê xen tiêu, cộng với dịch vụ thu hoạch lúa, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thời vụ; giúp đỡ 3 hội viên trong buôn với số tiền 30 triệu đồng không tính lãi để nuôi bò sinh sản…

Chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn huyện có 12.747/20.100 hộ gia đình đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; giảm được 230 hộ nghèo... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã vận động nông dân đóng góp hơn 83 tỷ đồng, 4.643 ngày công lao động, 200 m2 đất để xây dựng nhiều tuyến đường bê tông, công trình thủy lợi, trường học…

 

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc