Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu: Đâu là giải pháp?

08:28, 28/03/2017

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là điều cảnh báo nữa mà nó đã thể hiện rõ rệt bằng những tác động tiêu cực vào sản xuất nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, nhất là với cà phê, một trong những cây công nghiệp chủ lực của vùng. Mặc dù vậy, các địa phương, doanh nghiệp và người dân vẫn còn đánh giá thấp mức độ rủi ro ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp.

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu đang “tấn công” cây cà phê

Tại hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với BĐKH và hội nhập quốc tế vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, các chuyên gia đã đưa ra những số liệu về BĐKH đang có nhiều tác động xấu đến hoạt động sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Tây Nguyên đang nóng lên

Liên Hiệp Quốc dự báo, BĐKH sẽ làm cho nhiệt độ tăng thêm khoảng 2,390C vào năm 2100. Số ngày nóng ở Tây Nguyên dự báo sẽ tăng lên 134 ngày vào năm 2050 và 230 ngày vào năm 2100. Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng ở vùng Tây Nguyên có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Trong các năm 2015, 2016, Việt Nam đã xảy ra 14 đợt nắng nóng diện rộng ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 5 đến tháng 9 và nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C. BĐKH đã làm cho nguồn tài nguyên nước suy giảm. Ở Tây Nguyên, lưu vực của các sông Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và Đồng Nai đã kiệt dần từ lưu lượng 173.863l/s của những năm 2004-2005 xuống còn trên dưới 125.000l/s hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng, giảm từ 3-5m so với trước đây; lượng nước trên các sông ở khu vực này cũng chỉ đạt từ 60-70%. Đặc biệt, mùa mưa năm 2015 ở Đắk Lắk lượng mưa thấp hơn các năm, chỉ đạt 60-80% và phân bố không đồng đều, có nơi chỉ đạt trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong 770 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, chỉ có 250 hồ tích được từ 60-80%, còn lại đều dưới 60% dung tích. Ngoài yếu tố nhiệt độ có xu hướng tăng, nguồn nước giảm, diễn biến thời tiết ở Tây Nguyên đang ngày càng có xu thế cực đoan hơn, thiên tai xảy ra thường xuyên và bất thường hơn. Sự gia tăng của biên độ nhiệt, ẩm ngày đêm khiến một số nơi đang mất dần tính ổn định, tính quy luật về thời tiết khí hậu vốn có của vùng. Sự phân bố mưa theo không gian và thời gian cũng có những dấu hiệu thay đổi, thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa mưa đã diễn ra sớm hơn.

Một hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Ea H'leo bị cạn nước trong đợt hạn năm 2016.
Một hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Ea H'leo bị cạn nước trong đợt hạn năm 2016.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đã có đủ bằng chứng cho thấy có sự biến đổi đáng kể về khí hậu đang diễn ra ở Tây Nguyên, nguyên nhân của BĐKH rất phức tạp và đa dạng, bao gồm cả do tự nhiên và con người. Vì vậy, để giảm thiểu tác hại của BĐKH cần xây dựng một kế hoạch mang tính chiến lược cùng với những giải pháp đồng bộ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực để đối phó và thích ứng.

Thiệt hại nặng nề

BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, đơn cử, năm 1998, hiện tượng khô hạn xảy ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên đã làm giảm năng suất cà phê từ 20-30%, chất lượng cà phê nhân giảm, cụ thể tỷ lệ hạt trên sàng 16 giảm 45-50% so với các năm có lượng mưa bình thường. Đến những năm 2009-2010, nắng nóng kéo dài làm khô hạn rất nhiều nơi ở Tây Nguyên, đã làm cho năng suất cà phê giảm khoảng 15-25% so với năm trước. Bên cạnh đó, lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, đặc biệt là từ tháng 4-7, giai đoạn cà phê cần nhiều nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng cây và quả cà phê, song do lượng mưa ít gây thiếu nước làm quả cà phê bị khô và rụng hoặc nhân nhỏ dẫn đến thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng. Đặc biệt trong năm 2015, lượng mưa bình quân chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm và là năm có mức hạn khốc liệt nhất trong những năm trở lại đây. Điều này cũng đã làm cho kích cỡ hạt cà phê nhân giảm khoảng 30% so với năm 2013, đặc biệt ở những vùng khô hạn nặng giảm đến 45%. Năm 2016, từ tháng 1-6, tình trạng khô hạn khốc liệt lại diễn ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm trên 100.000 ha cà phê vùng Tây Nguyên, nhiều diện tích cà phê bị chết không thể phục hồi được. Riêng ở Đắk Lắk, đã xảy ra 2 đợt hạn, làm cho 109.461 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 71.890 ha cà phê (diện tích cà phê bị mất trắng là 5.570 ha); 193 hồ chứa bị khô cạn nước. Tổng thiệt hại ước tính 3.299,7 tỷ đồng.

Một vườn cà phê tại huyện Ea H’leo bị khô héo do hạn năm 2016.
Một vườn cà phê tại huyện Ea H’leo bị khô héo do hạn năm 2016.

Sự thay đổi về thời tiết, nhất là phân bố mưa, lượng mưa ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ. Tần suất xuất hiện mưa vào tháng 12 và tháng 1 là khá phổ biến. Điều này đã làm cho cà phê gặp trở ngại trong quá trình ra hoa, thụ phấn  đậu quả…Thời tiết có xu hướng nóng lên cũng làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo, đơn cử như rệp sáp hại cà phê trở thành dịch vào những năm 2000-2003, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm, ve sầu hại rễ cà phê (2007-2009)… làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng. Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sự nóng tăng lên do bức xạ nhiệt tăng thì nhu cầu nước của cây cũng tăng, vì vậy yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt sẽ là thách thức cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Chi phí đầu tư để thu trên một đơn vị sản phẩm tăng, đồng nghĩa với thu nhập giảm và đời sống của nông dân càng khó khăn hơn.

Minh Thuận-Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc