Huyện Cư M'gar đã tái canh được 1.487 ha cà phê
UBND huyện Cư M’gar vừa sơ kết 3 năm tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ tái canh 2017 - 2020.
Trong thời gian qua, huyện Cư M'gar đã có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê kém hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, cải tạo chuyển đổi giống bằng các dòng cà phê cao sản, như: hỗ trợ hơn 4,5 tỷ đồng để nhân dân mua 1.308.552 cây giống, tương ứng với diện tích cà phê tái canh khoảng 1.172 ha; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giải ngân cho vay tái canh cà phê hơn 14,4 tỷ đồng (21 hộ dân được vay hơn 1,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp vay hơn 12,7 tỷ đồng). Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, các cơ quan chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Kết quả, trong 3 năm (2014 – 2016), huyện đã triển khai tái canh được 1.487 ha, đạt 13,5% kế hoạch tái canh của cả giai đoạn 2010 - 2020.
Tuy nhiên, việc tái canh cà phê của huyện Cư M'gar cũng gặp rất nhiều khó khăn như: kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê tái canh của một số nông dân còn hạn chế; cấp nhiều giống, dòng cà phê cho một nông hộ khiến vườn cây cho quả không đều, chín không tập trung; điều kiện để vay vốn, mức lãi suất, quy trình giải ngân… còn khó khăn cho nông dân tiếp cận nguồn vốn này. Đặc biệt là tình trạng sau 2 - 3 năm tái canh cây cà phê có hiện tượng vàng lá, rễ cọc, rễ tơ bị thối, cây phát triển kém và có thể chết... làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và tiến độ tái canh.
Được biết, huyện Cư M'gar có 35.754 ha cà phê, phần lớn diện tích cà phê được trồng từ những năm 1985 – 1995. Giai đoạn 2010 - 2020 huyện Cư M'gar có khoảng 16.000 ha cà phê cần được thanh lý chuyển đổi và tái canh (trong đó, có khoảng 4.700 ha cà phê cần cần chuyển đổi sang trồng nhóm cây khác do đất đai không phù hợp, độ dốc cao, thiếu nước).
Công Phong
Ý kiến bạn đọc