Hiệu quả cao từ mô hình tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu ở Ea Kiết
Mô hình tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu của nhiều nông dân ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar bước đầu đang mang lại hiệu quả cao, gợi mở ra cách làm mới để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới và nhân lực…
Ông Nguyễn Văn Chương (thôn 9) hiện có hơn 2.000 trụ tiêu, trong đó hơn một nửa là trồng thuần tiêu, số còn lại trồng xen trong vườn cà phê. Năm 2013, ông được Hợp tác xã công bằng Ea Kiết đứng chân trên địa bàn tổ chức chuyến đi tham quan, học hỏi mô hình tưới tiêu nhỏ giọt tại các địa phương khác trong tỉnh. Sau đó, ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu cách làm này và đến năm 2014, ông Chương quyết định áp dụng cho vườn tiêu của mình. Ông đầu tư 140 triệu đồng để lắp hệ thống tưới nhỏ giọt tại gốc kết hợp với bón phân qua đường ống.
Theo ông Chương, cách làm này giúp tiết kiệm đến 90% công lao động so với việc cầm ống tưới thông thường. Đặc biệt, hiệu quả về sử dụng nước tưới là thấy rõ nhất, riêng trong mùa khô, cứ hai ngày ông chỉ cần vận hành hệ thống tưới một lần và trong vòng 1 giờ, lượng nước trung bình cho cây đã đạt từ 6-7 lít/gốc/lần tưới. Nhờ đó, người trồng tính toán được lượng nước tưới vừa đủ, thích hợp để cây dễ dàng thẩm thấu, duy trì độ ẩm. Trên mỗi gốc tiêu, trước đây khi chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ông Chương thu được trung bình 5 kg hạt/gốc/năm, sau khi áp dụng công nghệ này, năng suất hàng năm ổn định ở mức 6-7 kg/gốc.
Vườn tiêu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Chương mang lại hiệu quả cao. |
Tương tự, trong khi nhiều vườn cây trên địa bàn quay quắt vì nắng hạn thì vườn tiêu gần 3.000 trụ của anh Trần Thế Hanh (thôn 7) vẫn xanh mướt và phát triển tốt. Anh Hanh cho hay, vào mùa khô ở Tây Nguyên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt nước tưới do lưu lượng nước giếng không đủ để bơm tưới, để khắc phục tình trạng trên, anh đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Mô hình này tiết kiệm được nhiều nhân lực lại cho hiệu quả cao. Việc bón phân cũng trở nên rất đơn giản, phân bón được hòa tan trong một bể chứa và theo hệ thống ống dẫn tưới cho các gốc cây. Nhờ vậy, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật anh sử dụng cũng giảm đi đáng kể. Anh Hanh tính toán, lượng nước đã tiết kiệm được 50% và phân bón cũng giảm 35%, năng suất và sản lượng cây trồng thì tăng khá và ổn định hơn. Nếu như trước đây, với 3.000 trụ tiêu cần có nhiều công chăm sóc thì từ khi áp dụng mô hình này chỉ cần mỗi mình anh chăm sóc là đủ.
Theo nhiều nông dân, tưới nước, bón phân là khâu quan trọng nhất đối với cây tiêu, nhưng không phải cứ tưới nước nhiều là tốt. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm này giúp nông dân điều tiết được lượng nước tưới, phân bón vừa đủ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và diễn biến thời tiết. Cùng với đó, còn hạn chế được tình trạng sâu bệnh hại cây trồng, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trữ lượng nước mặt ở tỉnh tuy nhiều nhưng phân bố không đều. Về mùa mưa lũ dòng chảy lớn, chiếm 75-85% tổng lượng dòng chảy cả năm, nhưng về mùa khô chỉ còn 15-25%. Do mùa mưa trên địa bàn thường kết thúc sớm hơn so với quy luật, năng lực phục vụ của các công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng đủ, cùng với tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân còn lãng phí nguồn nước đã dẫn đến tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra. Giai đoạn 2010-2016, toàn tỉnh có trên 328.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán, thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng.
Riêng đối với cây hồ tiêu và cà phê, lâu nay bà con nông dân chủ yếu sử dụng cách tưới truyền thống là dùng ống trực tiếp tưới vào gốc, phương pháp này đơn giản nhưng tốn khá nhiều công lại gây lãng phí nguồn nước. Đó là chưa kể việc tưới quá nhiều nước còn gây ra tình trạng thối gốc, úng rễ của cây. Những năm gần đây, một số nông dân trên địa bàn đã tiếp cận và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nhỏ giọt bằng hệ thống ống dẫn giúp cân bằng độ ẩm cho đất phù hợp với nhu cầu phát triển của cây hồ tiêu. Mặt khác, hình thức tưới này giúp gom bộ rễ trong một diện tích hẹp để cây hấp thụ được nhiều dưỡng chất.
Tuy nhiên, đối với nhiều bà con nông dân, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới tiết kiệm còn lớn so với thu nhập của họ, trong khi thông tin tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con vẫn còn hạn chế. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để bà con có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng rộng rãi công nghệ này.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc