Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa từ kinh tế trang trại

15:16, 28/05/2017

Với nhiều lợi thế, phát triển kinh tế trang trại ở Cư Kuin được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Mô hình kinh tế này đã và đang khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, vốn và khoa học công nghệ vào sản xuất.

Kết quả bước đầu

Phòng NN-PTNT huyện cho biết, toàn huyện có 73 trang trại, phát triển mạnh nhất là lĩnh vực chăn nuôi, với 66 trang trại chủ yếu nuôi gà và heo, còn lại là trồng trọt và tổng hợp. Trong số đó, có 38 trang trại chăn nuôi gia công, quản lý khoảng 166.000 vật nuôi các loại, chiếm 80,15% số vật nuôi tổng số trang trại. Đây là mô hình chăn nuôi gắn kết với liên doanh, liên kết trong sản xuất, có ký kết hợp đồng thương mại.

Theo đó, chủ trang trại chỉ đóng vai trò là người xây dựng, quản lý cơ sở vật chất - hạ tầng và trực tiếp chăn nuôi, còn việc cung ứng con giống, vật tư đầu vào (vắc-xin, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y) và bao tiêu sản phẩm đầu ra đều do các công ty chăn nuôi thực hiện. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của khu vực trang trại lớn, ước đạt trên 2.260 tấn, chiếm 36,2%; sản lượng trứng ước đạt trên 10.000 quả, chiểm khoảng 75% tổng sản lượng toàn huyện, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Các chủ trang trại cũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là mô hình trang trại lạnh kép kín (gắn máy lạnh cho chuồng, trại) dần thay thế cho mô hình trại truyền thống.

Đến nay, trong huyện có khoảng 20 trang trại hoạt động theo hình thức này, góp phần chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp. Việc phát triển các trang trại chăn nuôi ngày càng nhiều về số lượng và lớn về quy mô đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: thu nhập của người dân được cải thiện, lao động nhàn rỗi được giải quyết việc làm, nguồn thu ngân sách địa phương tăng…

Trang trại chăn nuôi heo gia công trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Trang trại chăn nuôi heo gia công trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc phát triển mạnh mô hình trang trại trong thời gian qua cũng bọc lộ nhiều hạn chế. Theo số liệu rà soát hiện trạng chăn nuôi của Phòng NN-PTNT, số trang trại hoạt động phù hợp với quy hoạch là 32, chiếm 48,48%; số hoạt động không thuộc quy hoạch hoặc nằm trong khu dân cư 34 trang trại, chiếm 51,52%; số trang trại chưa có hồ sơ môi trường, quan trắc còn nhiều, với 39 trang trại, chiếm 59,09% trên tổng số trang trại. Hiện mới có 39 trang trại hoạt động có phép, 1 trang trại đang làm thủ tục xin chủ trương, còn lại hoạt động chưa có chủ trương của UBND huyện.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động chăn nuôi của các trang trại vẫn diễn ra do một số cơ sở chăn nuôi tuy có xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng sai quy trình hoặc có dung tích không bảo đảm theo cam kết; một số trang trại hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm… Từ năm 2016 đến đầu năm 2017, huyện cũng đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi là 5 trường hợp, buộc đình chỉ hoạt động 1 trường hợp…

Hướng đến phát triển bền vững

Theo mục tiêu phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 282 trang trại đạt chuẩn, với tỷ lệ trang trại áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất chiếm khoảng 60%; giải quyết việc làm cho khoảng 4.021 lao động; tăng thu nhập bình quân hằng năm cho các trang trại đạt 450 triệu đồng; số trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt trên 90% tổng số trang trại…

Để đạt được mục tiêu này Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, công khai rộng rãi nội dung quy hoạch phát triển kinh tế trang trại các loại của huyện giai đoạn 2015-2020 đối với địa bàn từng xã và niêm yết bản đồ quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh hoạt động của các trang trại, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: những trang trại phù hợp với quy hoạch và đã có chủ trương của UBND huyện hoặc có giấy Chứng nhận kinh tế trang trại thì phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, bảo vệ môi trường; những trang trại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa có chủ trương của UBND huyện thì khẩn trương bổ sung hồ sơ pháp lý liên quan (nếu không bổ sung có thể bị tạm dừng hoạt động cho đến khi đủ hồ sơ theo yêu cầu); với những trang trại không phù hợp với quy hoạch nhưng có chủ trương của UBND huyện thì tạm thời cho phép duy trì hoạt động nhưng cần xây dựng phương án di dời vào các khu chăn nuôi tập trung; những trang trại không phù hợp với quy hoạch và không có chủ trương của UBND huyện, nếu không có khả năng di dời theo quy định thì phải thực hiện cam kết giảm đàn xuống dưới mức trang trại, chăn nuôi theo quy mô nông hộ và bảo đảm về thú y, môi trường; tăng cường kiểm tra, theo dõi hoạt động của những trang trại gây ô nhiễm môi trường để tham mưu UBND huyện đình chỉ hoạt động nếu cần thiết…

Phòng NN-PTNT cũng đã kiến nghị với UBND huyện quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng một số mô hình trang trại chăn nuôi điểm; áp dụng mô hình đệm lót sinh học và công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, thú y cho các chủ trang trại…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc