Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Nhiều công trình thủy lợi phát huy hiệu quả từ khi "có chủ"

08:45, 16/05/2017

Huyện Ea H’leo có 37 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng dung tích hơn 6 triệu m3 nước, đủ tưới cho hơn 3.500 ha cây trồng các loại. 

Từ năm 2013 về trước, khi các công trình thủy lợi này được giao cho các xã, thị trấn quản lý thì không phát huy được hiệu quả, việc mở tràn khi mưa to lũ lớn, đóng cống xả lúc kết thúc mùa mưa đều không khoa học, chưa đúng quy trình vận hành. Nhiều hộ sản xuất có rẫy, ruộng nương dưới hạ lưu hồ chứa tùy tiện mở cống lấy nước bơm tưới cây trồng mà không có lực lượng chuyên  trách hướng dẫn, điều tiết hợp lý, gây thất thoát, lãng phí nguồn nước. Một số công trình thủy lợi còn bị kẻ gian đập thanh giằng tháo bu-lon, vô lăng điều khiển cống xả, kênh dẫn đầu mối để lấy sắt bán phế liệu như đập chứa nước A6 thuộc xã Ea Wy, đập chứa nước buôn Riêng thuộc xã Ea Nam, công trình thủy lợi Ea Uy thuộc xã Ea Sol… Có những hồ, đập nước bị người dân lấn chiếm kênh mương, bờ đập để đào ao, trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả, tự ý bắc cầu qua mương, cống, gây ảnh hưởng đến an toàn các công trình thủy lợi và khó khăn trong việc sửa chữa, nâng cấp hồ đập.

Nhờ được quản lý tốt nên vào mùa khô công trình thủy lợi Ea Đrăng được tích nước đạt đỉnh so với thiết kế.
Nhờ được quản lý tốt nên vào mùa khô công trình thủy lợi Ea Đrăng được tích nước đạt đỉnh so với thiết kế.

 

Không chỉ hồ chứa nước Ea Đrăng, tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Ea H’leo trong vài năm gần đây đều được quản lý, điều tiết tốt hơn nhiều, không còn tình trạng mạnh ai nấy xả cống, mở van lấy nước tùy tiện như các năm trước.

Trước tình trạng đó, năm 2014, huyện Ea H’leo giao cho Chi nhánh Quản lý thủy lợi huyện quản lý tất cả các hồ chứa nước ở các xã, thị trấn trong huyện. Nhờ có đội ngũ quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước được đào tạo chuyên môn vững vàng nên việc mở tràn xả lũ khi mưa to, đóng cống chặn dòng tích nước cho các hồ, đập vào mùa khô đều được thực hiện đúng quy trình, khoa học, bảo đảm an toàn. Mỗi khi vào mùa mưa lũ, cán bộ quản lý và nhân viên Chi nhánh thường xuyên cập nhật, theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, công văn chỉ đạo của cấp trên để đóng hoặc xả nước hồ chứa theo quy trình vận hành, đúng ngưỡng cho phép. Vào mùa khô, Chi nhánh Quản lý thủy lợi huyện phối hợp cùng chính quyền, cán bộ phụ trách nông nghiệp - thủy lợi các xã, thị trấn đóng khẩu chặn dòng trữ nước các hồ, đập đúng thời điểm.

Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đều được tích nước đạt đỉnh so với mức thiết kế, bảo đảm phục vụ sản xuất cho bà con nông dân địa phương. Việc mở cống xả, kênh dẫn đầu mối đưa nước vào đồng ruộng cho hộ sản xuất bơm tưới cây trồng được điều tiết kịp thời, hợp lý, không để xảy ra tình trạng nơi thừa chỗ thiếu, lãng phí nguồn nước các hồ, đập. Những hành vi lấn chiếm, xâm hại công tác bảo đảm an toàn các hồ, đập đều được Chi nhánh phát hiện và tham mưu cho chính quyền, ngành chức năng cấp trên xử lý kịp thời.

Nhờ được quản lý và điều tiết nguồn nước có khoa học, đúng quy trình, từ năm 2015 đến nay, hồ chứa nước Ea Đrăng - một trong những công trình thủy lợi lớn của huyện Ea H’leo không còn xảy ra sự cố nước lũ tràn bờ đập gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân như năm 2013. Vào mùa khô, khi hộ sản xuất ở các xã Ea Khăl, Cư Mốt có nhu cầu lấy nước tưới cây trồng, nhân viên Chi nhánh Quản lý thủy lợi huyện mở cống xả đúng lịch trình, lưu lượng phù hợp, không để lãng phí và bảo đảm cho công tác chống hạn.

Tuy nhiên, dù được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, song do sử dụng lâu năm và thời gian dài không được quản lý, bảo vệ tốt, thi công không bảo đảm kỹ thuật… nên có một số công trình thủy lợi hiện đang bị bồi lắng lòng hồ, sạt lở bờ đập, thấm lậu, khả năng trữ nước hạn chế đòi hỏi sớm được đầu tư nạo vét, sửa chữa.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.