Nan giải bài toán cân đối ngân sách (Kỳ 2)
Kỳ 2: Hồi chuông cảnh báo
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), về cơ bản, năm 2015 tỉnh đã bảo đảm được cân đối ngân sách. Thế nhưng, trong khi nguồn thu của địa phương chưa thật sự ổn định, các khoản chi lại bộc lộ nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) trong những năm tới.
Từ việc chi không đúng quy định
Đáng lưu ý là KTNN đã chỉ rõ những khoản chi thiếu hợp lý khiến ngân sách địa phương mất cân đối. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), NSĐP bố trí vốn hỗ trợ sản xuất cho 2 xã thuộc huyện Ea H’leo và Krông Năng không đúng đối tượng là xã đặc biệt khó khăn (trên 1 tỷ đồng); bố trí vốn cho 14 dự án chưa được thẩm định nguồn vốn; hỗ trợ bố trí vốn cho 12 dự án không thuộc nhiệm vụ đầu tư của NSĐP trong điều kiện tỉnh hụt thu nhiều năm (trên 16,2 tỷ đồng); bố trí trên 16,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi cho 10 dự án không đúng danh mục đăng ký với Bộ Tài chính; chưa ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành dẫn đến nợ đọng XDCB tăng cao… Trong khi đó, chi thường xuyên cũng có nhiều khoản chi chưa đúng với quy định như sử dụng nguồn vốn sự nghiệp (trên 80 tỷ đồng) để bố trí xây mới và trả nợ công trình xây dựng không có trong danh mục được HĐND tỉnh quyết; sử dụng nguồn bù hụt thu thuế giá trị gia tăng và hụt thu điều hành (trên 438 tỷ đồng) cho 10 huyện thị xã; giao dự toán cho 14 huyện, thị xã từ nguồn cân đối cho học sinh thuộc Chương trình 135, nhưng lại bố trí mua sắm thiết bị cho ngành Giáo dục là chưa đúng nguồn kinh phí được cấp… Cùng với đó, KTNN cũng đã chỉ ra nhiều khoản chi không thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP cũng đã khiến chi NSĐP tăng thêm. Ngoài ra, KTNN cũng cho rằng, đến thời điểm 31-12-2015, có 9 đơn vị dự toán cấp I của tỉnh (Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông – Vận tải, Trường Cao đẳng sư phạm, Trường Cao đẳng nghề) và 8 huyện, thị xã (thị xã Buôn Hồ, các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắk) còn nợ mua sắm, sửa chữa bằng nguồn chi thường xuyên trên 202 tỷ đồng do các đơn vị dự toán đã tổ chức mua sắm, sửa chữa vượt kinh phí được giao dẫn đến gia tăng nợ của chính quyền địa phương.
Tỉnh lộ 3 bị hư hỏng nặng khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. |
Đến chi ứng trước
Điều đáng ngại là có nhiều khoản chi theo dạng ứng trước, vượt con số thực thu. Chẳng hạn, qua công tác kiểm toán việc sử dụng các khoản tạm ứng và ứng trước dự toán từ ngân sách Trung ương cho thấy, địa phương đã sử dụng số tiền 41 tỷ đồng (theo Quyết định số 410/QĐ-UBND, ngày 12-2-2015 của UBND tỉnh quyết định sử dụng 190 tỷ đồng để chi đầu tư XDCB, tuy nhiên ngày 29-1-2016, UBND tỉnh lại có Quyết định số 316/QQD-UBND điều chỉnh giảm chi đầu tư XDCB 149 tỷ đồng, còn lại 41 tỷ đồng không điều chỉnh giảm chi) là không bảo đảm tính cân đối thu – chi khi chưa có thực nguồn. Tại thời điểm kiểm toán có 9 khoản tạm ứng với số tiền trên 304 tỷ đồng (chi thường xuyên) đã quá hạn nhưng địa phương chưa hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định. Hay như việc ngân sách tỉnh cho huyện M’Đrắk tạm ứng trên 50 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại xã Ea Lai của Công ty TNHH Liên hợp công nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ là không đúng theo quy định và đến nay chưa thu hồi được không những trái với quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP quy định chủ đầu tư (Công ty Sao Đỏ) có trách nhiệm bảo đảm đầy đủ kinh phí để chi trả kịp thời tiền bồi thường và tái định cư mà còn chưa tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 518-TB/VPTU ngày 2-12-2011. Trong khi đó, tạm ứng từ ngân sách cấp huyện cũng bộc lộ vấn đề như năm 2015, huyện Krông Bông cho tạm ứng trên 2 tỷ đồng, nhưng không ghi rõ thời gian hoàn trả; 4/8 huyện kiểm toán (Cư M’gar, Krông Bông, Cư Kuin, Krông Ana) cho tạm ứng đã quá thời hạn, nhưng chưa thu hồi trên 8 tỷ đồng…
KTNN xác định các khoản chênh lệch thu – chi NSNN, các khoản từ xử lý tài chính khác là trên 280 tỷ đồng đã làm giảm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN.
(Còn nữa)
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc