Multimedia Đọc Báo in

Những người mưu sinh từ sen

16:29, 28/05/2017

Bước vào giữa mùa khô, thời điểm “vàng” để ngó sen phát triển, các gương sen cũng chắc nịch – cũng là lúc bắt đầu những chuyến mưu sinh của không ít người dân huyện Lắk.

Chỉ cần 1 chiếc thau hoặc can nhựa, thêm 1 chiếc găng tay là những người hái ngó sen có thể bắt đầu một chuyến mưu sinh. Công việc hái ngó cũng không hề đơn giản, ở những hồ sâu, người hái phải ngụp lặn mấy giờ đồng hồ dưới nước, chân lần mò tới gốc sen, người quen việc chỉ cần lấy ngón chân bấm ngó, người mới phải lần tay theo những lá sen non, nước sâu tới cằm mới hái được ngó. Để tránh dập, gãy ngó, người hái phải thật khéo léo, nhẹ nhàng. Theo kinh nghiệm của những người mưu sinh từ nghề hái ngó, do phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ, họ phải nhịn ăn buổi sáng, bởi ăn no sẽ căng tức bụng, khó lội nước. 

Chị H’Lươm (xã Yang Tao) – một trong những người có kinh nghiệm lâu năm về nghề hái ngó sen chia sẻ, chị không nhớ là đã theo nghề hái ngó này được bao nhiêu năm, chỉ nhớ vào độ tháng 4, tháng 5 dương lịch hằng năm, chị ra Hồ Lắk hái ngó sen về bán. Việc hái ngó phải bắt đầu từ sáng sớm, thường kết thúc trước 12 giờ trưa, bởi khi nắng lên nếu ngó không được mang về sẽ bị héo. Ngày nào gặp may, chọn được những khu vực có nhiều ngó có thể hái được từ 10 – 15 bó, giá bán khoảng 15.000 đồng/bó. Vào ngày nghỉ cuối tuần, khi các con nghỉ học, mấy mẹ con chị cùng nhau đi hái, kiếm được 200 – 300.000 đồng/ngày. Đặt nhẹ gùi ngó sen tươi rói, trắng ngần xuống lề đường, em H’Truyên cho hay, sáng nay cùng mẹ đi hái ngó, em rất mệt nhưng mà vui vì thu được nhiều, ngó này giờ đưa ra chợ, chưa đầy 1 giờ đồng hồ là bán hết. Hè năm nào em cũng theo mẹ đi hái ngó để kiếm tiền mua sách vở, áo quần cho năm học mới.  

Hạt và gương sen bán tại chợ Liên Sơn (huyện Lắk).
Hạt và gương sen bán tại chợ Liên Sơn (huyện Lắk).

Hái ngó là nghề góp phần giúp một số người dân kiếm thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, song những nguy hiểm luôn rình rập đối với họ, đã không ít trường hợp dẫm phải vật nhọn dưới bùn, bị nhiễm trùng phải đi bệnh viện cấp cứu; còn bị côn trùng, rắn cắn thì thường xuyên.

Huyện Lắk được thiên nhiên ban tặng 2 hồ nước ngọt tự nhiên lớn, có tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, trong đó, Hồ Lắk (thị trấn Liên Sơn) với diện tích trên 500 ha, còn hồ Ea R’bin (xã Ea R’bin) rộng hơn 200 ha. Đây là 2 hồ nước ngọt cung cấp nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, cũng là nơi có điều kiện thích hợp cho loài sen, súng phát triển mạnh. 

Không chỉ ngó sen, gương và hạt sen cũng được nhiều người dân “săn” về làm thực phẩm và bán cho thương lái. Để hái được gương sen, người hái phải biết chèo thuyền, vì phải ra ở khu vực nước sâu, chứ nước cạn ít, gương nhỏ. Chị Trần Thị Bích Thương (xã Buôn Triết) cho hay, mỗi lần đi hái gương, vợ chồng chị phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy 70 km đến hồ Ea R’bin. Gương sen hái về được chia thành 2 loại, loại để nguyên gương và loại tách hạt sen ra để bán cho khách. Phần lớn khách chọn loại tách sẵn cho tiện, còn những khách muốn bảo quản hạt sen tươi lâu lại chọn loại gương. Khi sen vào mùa chính, mỗi ngày vợ chồng chị có thể hái được từ 30 – 35 ký, với giá bán hiện tại 30.000 đồng/ký, trừ xăng xe đi lại, thu về khoảng 700.000 đồng/ngày. Ngó sen, hạt sen được biết đến là loại thực phẩm giàu vitamin B, C và khoáng chất, giúp giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ tiêu hóa nên từ lâu được nhiều thực khách lựa chọn, đặc biệt là khách du lịch từ tỉnh khác đến, có khi mấy chục ký bán hết trong chốc lát. 

Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho biết, mỗi lần đãi khách nơi xa đến, chị chạy ra chợ mua ngó sen về làm gỏi tôm đồng, vừa ngon, giòn, bổ dưỡng lại dễ chế biến. Để có món gỏi ngó sen ngon, trắng, khi mua về cắt từng khúc chừng 5 cm, vắt nửa quả chanh vào thau nước ngâm là ngó trắng ngần. Ngó sen được thu theo mùa nên vào giữa mùa, giá mềm hơn, chị thường mua số lượng nhiều, về muối chua trong hũ thủy tinh, dùng ăn dần.

Không chỉ người dân địa phương, nhiều người ở TP. Buôn Ma Thuột cũng chuộng sen Lắk, vì đây là loại thực phẩm sạch, ngon, bởi mọc từ hồ tự nhiên. Chị Hồ Thị Mến (phường Tân Thành) cho biết, tầm cuối tháng 5 dương lịch hằng năm, chị thường nhờ người quen dưới Lắk mua chừng 20 ký hạt sen già, về bóc vỏ, tách tâm, rồi phơi khô, vừa bảo quản được lâu, lại tiện lợi trong sử dụng. Hạt sen phơi khô có thể dùng nấu xôi, cháo cho con, nấu chè cho những ngày hè, tết đến có thể dùng làm mứt hạt sen có vị ngọt thanh, bùi bùi.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.