Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân trẻ làm giàu trên đất khó

15:17, 28/05/2017

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” ở huyện vùng sâu Krông Bông diễn ra sôi nổi, qua đó xuất hiện nhiều điển hình nông dân xuất sắc.

Chàng trai trẻ với vườn chuối cấy mô

Đến thị trấn Krông Kmar hỏi về gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, không ai là không biết đến anh Trần Quốc Trưởng (SN 1990), người đang sở hữu vườn chuối mốc cấy mô lớn nhất huyện Krông Bông.

Anh Trần Quốc Trưởng bên vườn chuối mốc cấy mô của mình.
Anh Trần Quốc Trưởng bên vườn chuối mốc cấy mô của mình.

Kể về vườn chuối “độc nhất” của mình, anh Trưởng nhớ lại: Trước kia gia đình anh trồng 1,4 ha cà phê xen điều. Tuy nhiên do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên năng suất rất kém. Đầu năm 2016, sau khi tham khảo qua tivi, sách báo và bạn bè ở các nơi khác, anh Trưởng phá bỏ vườn cà phê mua 1.200 cây chuối mốc cấy mô tại Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên về trồng trên diện tích 1 ha. Sau 1 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn chuối của anh phát triển tốt, buồng và nải lớn, trái nhiều, đều. Anh Trưởng ước tính năm nay sẽ thu về 40 tấn chuối mốc. Với giá 4-7 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm thu mua) anh sẽ thu lời ít nhất 200 triệu đồng/năm. Theo anh Trưởng, cây chuối dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu được hạn hán và ngập lụt tốt, chi phí đầu tư ít hơn những cây trồng khác. Bên cạnh đó, đầu ra của cây chuối mốc cũng ổn định. Ngoài dùng thờ cúng và ăn thì chuối mốc còn để sấy hay chế biến nhiều loại thực phẩm khác. Hoa chuối mốc được người dân địa phương ưa chuộng nên có thể bán cho các thương lái hoặc mang ra chợ. Thân cây chuối tận dụng để chăn nuôi…

 
 “Tuy là một huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện đất đai kém màu mỡ nhưng nhờ sự cần cù và chủ động trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn áp dụng những mô hình mới nên trên địa bàn Krông Bông xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân trẻ điển hình” 
 
Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Bông

Ngoài vườn chuối rộng 1 ha, anh Trưởng dành 0,4 ha đất còn lại chăn nuôi thêm 5 con bò, 500 con gà và 200 con vịt… Thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm đem lại cho anh từ 100 - 200 triệu đồng. Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2016 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, anh Trưởng được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Trở thành triệu phú nhờ nuôi bò nhốt 

Xác định thế mạnh của địa phương là đồng cỏ, nguồn rơm rạ dồi dào nên từ năm 2012, 13 hộ dân ở tổ Đoàn Kết, thôn 8, xã Hòa Sơn đã cùng nhau thành lập tổ nuôi bò. Mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Một trong những hộ nông dân trẻ tuổi thành công với mô hình nuôi bò nhốt là anh Nguyễn Minh Cương (SN 1989). Hằng năm, gia đình anh Cương duy trì đàn bò thịt từ 10 - 20 con. Cứ 3 - 4 tháng anh xuất chuồng một lứa khoảng 3 con, mỗi năm anh xuất chuồng từ 3 đến 5 tấn bò hơi. Với giá dao động từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg bò hơi, gia đình anh thu lời trung bình 200 - 300 triệu đồng. Anh Cương chia sẻ: “Nuôi bò tốn ít chi phí đầu tư, rủi ro ít, hơn nữa có thể tận dụng được nguồn phế phẩm từ trồng trọt, thức ăn dư thừa trong gia đình. Nuôi bò nhốt không tốn công đi chăn thả, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn”. Ngoài nuôi bò nhốt, anh Cương còn trồng thêm cà phê, lúa, hoa màu và cây ăn trái. Mỗi năm thu nhập từ trồng trọt mang lại cho anh Cương 200 triệu đồng. 

Đàn bò nuôi nhốt của gia đình anh Nguyễn Minh Cương.
Đàn bò nuôi nhốt của gia đình anh Nguyễn Minh Cương.

Tuổi đời chưa đến 30 nhưng anh Cương đã trở thành một trong những chủ hộ có kinh tế vững, được Hội Nông dân xã và bà con tại địa phương tín nhiệm. Anh Nguyễn Minh Cương còn là một trong những nông dân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.