Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Cư Kuin

19:14, 28/05/2017

Trong những năm qua, tuổi trẻ huyện Cư Kuin đã tích cực hưởng ứng phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Từ phong trào này, ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên năng động, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế và trở thành những điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, đến nay anh Vũ Viết Cương (thôn 9, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã làm chủ một trang trại nấm với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vợ chồng anh Cương đóng gói nấm mèo sau khi đã được phơi khô để mang đi tiêu thụ.
Vợ chồng anh Cương đóng gói nấm mèo sau khi đã được phơi khô để mang đi tiêu thụ.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Cương ở nhà cùng gia đình trồng nấm. Năm 2007, sau khi lập gia đình riêng, do cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nên năm 2010, anh Cương quyết định mở trang trại nấm riêng. Không có vốn, anh phải vay mượn từ bạn bè, người thân, ngân hàng để xây dựng trang trại sản xuất nấm rộng 1.500 m2 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh chỉ làm 4.000 bầu nấm và hấp nấm bằng thủ công, sau đó tăng dần số lượng. Đến nay, anh đã sản xuất 10.000 bầu nấm hấp bằng hơi với các loại nấm sò, nấm mèo, bào ngư đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, trang trại của anh Cương xuất ra thị trường 30 kg nấm các loại với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn trồng nấm linh chi bán theo đơn đặt hàng với giá bán từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg. Mô hình trồng nấm này hiện mang về cho gia đình anh nguồn lãi từ 200 – 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng tại TP.Hồ Chí Minh năm 2014 song anh Phạm Quốc Thịnh (thôn 12, xã Cư Êwi) không tìm được việc làm theo ý muốn.

Anh Thịnh trong trang trại chăn nuôi heo của gia đình.
Anh Thịnh trong trang trại chăn nuôi heo của gia đình.

Đầu năm 2015, được sự hỗ trợ của gia đình, anh Thịnh quyết định ký hợp đồng nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Tháng 6-2015, anh xây dựng trang trại nuôi heo rộng 1.100 m2 với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Thực hiện mô hình này, gia đình anh được cung cấp nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật, vắc-xin phòng chống dịch bệnh và thức ăn cho heo. Ngoài ra, anh không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm mà tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi năm gia đình anh Thịnh nuôi được 2 lứa heo, sau khi trừ chi phí có lãi 200 triệu đồng/lứa. Anh Thịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Để đàn heo phát triển tốt, phòng chống được các dịch bệnh, cần phải tiêu độc khử trùng chuồng trại trước khi bắt heo về. Đồng thời, phải chú ý tiêm đủ 5 loại vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn heo”.

Không chỉ anh Cương, anh Thịnh, theo thống kê hiện nay toàn huyện Cư Kuin có 40 đoàn viên, thanh niên là chủ hộ làm kinh tế giỏi với mức thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

                                      Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.