Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Thông tư 39: Cả khách hàng lẫn ngân hàng đều gặp "khó"

16:14, 31/05/2017

Để phù hợp với các quy định của Luật Dân sự năm 2015 và thông lệ quốc tế, vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Tuy nhiên, để thực hiện đúng Thông tư này, cả ngân hàng lẫn khách hàng đều đang gặp những khó khăn nhất định.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là quy định về quyền sở hữu tài sản bảo đảm dùng để thế chấp các khoản vay. Trước đây, chỉ cần chủ hộ đứng tên tài sản bảo đảm thực hiện vay vốn ngân hàng, thì nghiễm nhiên sẽ phát sinh quan hệ tín dụng cho cả hộ gia đình. Nhưng nay, Điều 212 Luật Dân sự năm 2015 ghi rõ: việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên trong gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, vì vậy khi thế chấp tài sản để vay vốn phải có ủy quyền của tất cả thành viên trong hộ gia đình, trong khi hộ gia đình có rất nhiều thành viên và trong số đó hiện có nhiều người không có mặt tại địa phương (đi học, xuất khẩu lao động…) dẫn đến để có ủy quyền của tất cả thành viên là rất khó. Bên cạnh đó, một số trường hợp đã tách hộ khẩu, nhưng vẫn có quyền đối với tài sản của gia đình được thế chấp trước đây; việc xác định thành viên có quyền lợi đối với tài sản thế chấp cũng gặp khó khăn, nhiều khi nằm ngoài khả năng của ngân hàng. Ngoài ra, những trường hợp đã chết, nhưng không để lại di chúc, chuyển đổi nơi cư trú không để lại địa chỉ… cũng khiến ngân hàng không thể có đủ cơ sở cho vay. Đó là chưa kể đến việc sử dụng vốn vay của hộ sản xuất, tổ hợp tác… cũng phải có ủy quyền của các thành viên liên quan.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, những quy định tại Thông tư 39 là phù hợp với quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế nên không thể làm khác hơn. Vì vậy các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu và thực hiện đúng những quy định tại Thông tư này.  

Theo Trưởng Phòng Kế hoạch – Kinh doanh Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Ea Kar Phạm Quang Hùng, từ khi thực hiện những quy định của Thông tư 39, doanh số cho vay của đơn vị đã chững lại, những hồ sơ buộc phải có đầy đủ ủy quyền của tài sản bảo đảm đã không thể giải ngân. Bởi nếu không có đủ ủy quyền của tất cả các thành viên trong gia đình, hợp đồng tín dụng sẽ bị vô hiệu nếu xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, theo phản ánh của một số khách hàng vay tiền, muốn đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng, rất nhiều thủ tục nhiêu khê đã phát sinh, thậm chí còn không thực hiện được bởi trong gia đình có thành viên không có mặt tại địa phương. Thực tế ở một số địa phương, từ khi Thông tư 39 có hiệu lực, hồ sơ xin xác nhận ủy quyền tài sản cũng đã tăng đột biến. Chủ tịch UBND xã Ea Ô (Ea Kar) Võ Huy Khôi cho biết, mặc dù địa phương tiếp nhận nhiều đơn xác nhận ủy quyền, nhưng rất nhiều hồ sơ không thể xác nhận do không có mặt người ủy quyền theo quy định.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp tư nhân, theo quy định mới chỉ cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp mới đủ tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, khi ngân hàng cấp các dịch vụ như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các bên nhận bảo lãnh không chấp nhận bên được bảo lãnh là cá nhân, khi các hợp đồng được ký kết là doanh nghiệp tư nhân. Đó là chưa kể đến những khó khăn phát sinh trong việc thanh, quyết toán thuế, phí… 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.