Bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột: Những trăn trở trong bảo tồn và phát triển
Công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng đang đặt ra nhiều áp lực cho TP. Buôn Ma Thuột, nhất là trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị tạo nên bản sắc của một đô thị vùng Tây Nguyên...
Đô thị của những di sản văn hóa
Là đô thị hình thành và phát triển trên địa bàn cư trú của các cộng đồng dân tộc thiểu số, Buôn Ma Thuột đã tạo cho mình những bản sắc riêng với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, những giá trị này đang dần bị mai một, xa rời đời sống cộng đồng. Đó là nếp nhà dài chỉ còn thấp thoáng ở một vài buôn; tiếng chiêng, cồng với không gian sinh hoạt đặc thù cho nó cũng dần biến mất. Hình thái đô thị Buôn Ma Thuột vì vậy cũng rất dễ giống, trùng lắp như những đô thị của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng nếu không có sự điều tiết trong quá trình phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư (GS.TS.KTS) Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và người Êđê ở Buôn Ma Thuột nói riêng sở hữu di sản văn hóa vật thể tương đối khiêm nhường, chủ yếu là kiến trúc cư trú và vật dụng đời sống. Nhưng di sản văn hóa phi vật thể của họ lại phong phú, với đặc điểm nổi trội là chưa có giới hạn rõ rệt giữa văn hóa dĩ vãng và văn hóa hiện tại. Do vậy không nên và không thể bảo tồn buôn làng như một bảo tàng ngoài trời mà phải bảo tồn trong sự tiếp nối cuộc sống của cộng đồng dân cư. Các buôn ở TP. Buôn Ma Thuột đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Về phương diện tiến hóa chúng là những cấu trúc cộng cư có quy hoạch, hình thái cư trú và cuộc sống chuyển biến vượt bậc so với lịch sử. Về phương diện đô thị, buôn ở đây là những thiết chế chuyển tiếp từ buôn sang thị. Trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng bào đã bước vào quá trình đô thị hóa và thành thị hóa ở chừng mực và bằng những hình thức đó. Những căn nhà dài ở đây đã được cải tiến rất rõ so với những kiến trúc tương tự ở buôn truyền thống. Cho nên bảo tồn trước hết phải nhắm vào đối tượng và những giá trị đích thực, chứ không phải bảo tồn một cái gì đó “lưng chừng”.
TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh, Trưởng Khoa Quy hoạch Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng trước nhu cầu duy trì và phát triển tự nhiên, lại vừa không thể tách mình ra khỏi dòng chảy đô thị hóa, muốn tạo nên không gian bản sắc cho đô thị phải bảo đảm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hài hòa với thiên nhiên và không tách rời với yếu tố hiện đại.
Với mật độ xây dựng vừa phải, TP. Buôn Ma Thuột giữ được nhiều khoảng xanh trong lòng đô thị. Ảnh: H. Gia |
Tiên phong về cảnh quan môi trường
Tại Hội thảo khoa học về quy hoạch và quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột vừa được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, Buôn Ma Thuột được các nhà khoa học đánh giá là đô thị có nhiều tiềm năng để trở thành đô thị tiên phong về cảnh quan môi trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố này trở thành một đô thị xanh của Tây Nguyên. Phó Giáo sư.TS Lưu Đức Cường, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn Quốc gia cho rằng, hệ thống công viên đô thị (cây xanh công cộng) của Buôn Ma Thuột phát triển khá tốt với chỉ tiêu đạt 10 m2/người. Tuy nhiên, hệ thống rừng và thảm thực vật tự nhiên quanh thành phố hiện nay không còn nhiều (chủ yếu là cây công nghiệp, diện tích rừng còn rất ít). Với mục tiêu phấn đấu trở thành một đô thị tiên phong về cảnh quan môi trường, Buôn Ma Thuột cần khôi phục lại vành đai xanh bao quanh toàn bộ thành phố. Đồng thời, mở rộng, khơi thông lại dòng chảy của các con suối vừa tạo cảnh quan vừa tăng khả năng thoát nước mặt đô thị, cải tạo môi trường...
Bảo tàng Đắk Lắk, một trong những công trình kiến trúc mang biểu trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. |
Đối với đô thị Buôn Ma Thuột cần chọn những buôn, kiểu nhà thực sự đặc trưng, thực sự là sản phẩm của tiếp biến lịch sử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để giữ lại, bảo tồn một cách bài bản theo bảo tàng học, còn lại cần được cải tạo để thích ứng và hiện đại hóa, đặc biệt tránh mô hình hóa buôn làng.
TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh, Trưởng Khoa Quy hoạch Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
|
Còn theo GS.TS khoa học Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Buôn Ma Thuột sở hữu những tài nguyên thiên nhiên phong phú với vùng đất màu mỡ chưa bị khai thác nhiều; địa thế, địa mạo đặc thù và sức mạnh kinh tế nông nghiệp xanh từ các loại cây công nghiệp. Để đô thị này phát triển bền vững và khác biệt, ông Võ cho rằng, nên trao quyền bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với luật tục để đồng bào làm cho rừng ở đây thực sự mang bản sắc đại ngàn; kết hợp thế mạnh của tự nhiên gồm hệ thống sông, hồ, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... cùng văn hóa bản địa để phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa cộng đồng.
Và như GS Hoàng Đạo Kính tâm huyết, chỉ có thể xây dựng một thành phố bản sắc cả về đời sống cộng đồng thành thị lẫn về diện mạo kiến trúc nếu Buôn Ma Thuột đi lên và được kiến tạo từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, sự tích lũy văn hóa bản địa và văn hóa cộng đồng đặc trưng, từ những ưu việt của kiến trúc đô thị đã hình thành và đặc biệt là từ những chủ trương và các chương trình mở mang thành phố phải mang tính nhất quán và có tầm nhìn địa phương.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc