Multimedia Đọc Báo in

Vốn vay khởi nghiệp: Cơ hội cho thanh niên hoàn lương

14:45, 26/06/2017

Mặc cảm vì những lỗi lầm trong quá khứ, con đường tái hòa nhập cộng đồng của những thanh niên hoàn lương (TNHL) càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay khởi nghiệp của Hội LHTN cũng như các nguồn vốn ưu đãi khác, nhiều thanh niên đã có cơ hội để làm lại cuộc đời.

Đang tuổi mới lớn, lại bị bạn bè rủ rê, dụ dỗ, nên anh Hoàng Tuấn Anh (ở tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) đã sa chân vào vũng lầy ma túy. Những ngày tháng ấy, Tuấn Anh như con thiêu thân, chìm ngập trong “cái chết trắng” tưởng chừng không thể thoát ra được. Nhờ sự động viên của người thân, bạn bè và nghị lực của bản thân, năm 2012 anh đã cai nghiện thành công.

Trở về địa phương sau những tháng ngày lầm lỡ, Tuấn Anh quyết tâm vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Mở cho mình một tiệm cơ khí nhỏ và nuôi thêm đàn dê sinh sản, mỗi tháng Tuấn Anh thu về khoảng 6 triệu đồng tiền lãi, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều thanh niên tại địa phương có việc làm với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Mong ước mở rộng xưởng cơ khí để giúp những người từng mắc phải sai lầm như mình được làm lại cuộc đời, Tuấn Anh đã mạnh dạn đem tâm tư của mình gửi gắm các cấp bộ Đoàn. Đầu năm 2017, Huyện Đoàn Krông Pắc đã trao 20 triệu đồng vốn khởi nghiệp để giúp Tuấn Anh biến ước mơ thành hiện thực. 

Nhờ nguồn vốn vay khởi nghiệp, anh Dương Văn Tía (thôn 7A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã phát triển mô hình trồng gấc và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nguồn vốn vay khởi nghiệp, anh Dương Văn Tía (thôn 7A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã phát triển mô hình trồng gấc và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, anh Trần Đình Trọng (ở thôn 12, xã Ea Pal, huyện Ea Kar) từng vuớng vào vòng lao lý vì tội trộm cắp tài sản. Năm 2016, sau khi cải tạo trở về địa phương, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Trọng đã mạnh dạn cải tạo hơn 100 m2 đất ở của gia đình thành khu trồng nấm. Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, đồng thời nắm chắc kiến thức chăm sóc và thu hoạch nấm đúng quy trình, mô hình trồng nấm của anh Trọng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Hay như trường hợp anh Dương Văn Tía (ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar), sau khi cai nghiện ma túy thành công về địa phương, từ nguồn vốn vay khởi nghiệp 20 triệu đồng của  Hội LHTN tỉnh, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, vịt và trồng gấc, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Được biết, ngoài nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHTN tỉnh, từ năm 2012 đến nay, Huyện Đoàn Ea Kar đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 96 TNHL vay vốn ưu đãi với mức 30 triệu đồng/người, qua đó đã có nhiều thanh niên vươn lên ổn định cuộc sống.

Trên địa bàn huyện Cư M’gar, trong 5 năm qua, Hội LHTN huyện cũng đã xem xét hỗ trợ cho 4 TNHL và 3 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế bằng nguồn quỹ khởi nghiệp với mức 20 triệu/suất. Anh Nguyễn Minh Quý, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 110 TNHL, trong đó chủ yếu là thanh niên chấp hành xong án phạt tù. Để giúp TNHL ổn định cuộc sống, ngoài việc hỗ trợ vay vốn, Hội LHTN huyện cũng đã tích  cực  giới thiệu cho TNHL học nghề, liên hệ tạo việc làm hằng ngày cho TNHL để họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.  

Theo anh Phạm Trọng Phát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN tỉnh chương trình vốn khởi nghiệp cho thanh niên nói chung và TNHL nói riêng được triển khai từ năm 2008, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực. Hội LHTN tỉnh đã thẩm định và quyết định cho 26 lượt hội viên thanh niên (trong đó có 7 TNHL, sau cai nghiện ma túy) vay với tổng số vốn 540 triệu đồng.  Tuy chưa thực sự dồi dào, nhưng nguồn vốn từ Quỹ Khởi nghiệp đã giúp người vay có được nguồn vốn làm ăn, góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ thanh niên khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc