Multimedia Đọc Báo in

Bắt nhịp thời tiết để điều hành sản xuất nông nghiệp

08:57, 06/06/2017

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất hiện nay, đòi hỏi phải nắm bắt những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan để có cách ứng phó kịp thời trong sản xuất nông nghiệp.

Thiệt hại lớn do thời tiết

Nằm giữa vùng cao nguyên, có địa hình tương đối bằng phẳng, Đắk Lắk có hai mùa rõ rệt: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Mùa khô chịu ảnh hưởng gió đông, đông bắc ít mưa, khô hanh, nhiệt độ tăng cao (tháng 4, tháng 5), riêng các huyện phía Đông tỉnh gồm M’Đrắk, một phần Ea Kar, Krông Năng, Krông Bông mùa mưa thường muộn hơn 1 tháng, có năm lại muộn hơn 2-3 tháng.

Thời tiết mỗi năm đều có sự xê dịch, khác biệt, nhưng vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên thời tiết Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng biến đổi bất thường. Riêng mùa khô năm 2015-2016 kéo dài đến 8 tháng (mùa mưa năm 2015 đạt dưới mức trung bình và kết thúc sớm, mùa mưa năm 2016 bắt đầu muộn) gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vụ đông xuân 2016-2017, thời kỳ đầu mưa nhiều, có vùng bị ngập lụt, nắng ít khiến nhiều diện tích cây trồng không gieo sạ được, còn các cây công nghiệp, cây ăn quả thì bị sâu bệnh (sầu riêng, hồ tiêu); mất mùa, giảm năng suất (bơ, sầu riêng, cà phê). Đặc biệt, năm nay mùa mưa đến sớm hơn so với những năm trước 15 đến 20 ngày (cuối tháng 4 đã bắt đầu mùa mưa), riêng trận mưa từ ngày 16 đến 22-5 trên địa bàn tỉnh với lượng mưa lớn bất thường khiến hơn 2.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.

Bà Ngô Thị Tư, tổ dân phố 1, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana cho biết, gia đình bà có 9 sào lúa nhưng chỉ có 1 sào đã thu hoạch, 8 sào còn lại tại cánh đồng A Đạt Lý chưa chín, phải 15-20 ngày nữa mới gặt được thì nay bị ngập chìm trong biển nước. Tương tự, gia đình bà H’Yuôr Khang, cũng trú thị trấn Buôn Trấp có 1,3 ha lúa cho biết, gia đình mới chỉ gặt chạy lụt được 1 sào, diện tích còn lại nằm trên vùng trũng, lúa còn xanh nên không gặt chạy lũ kịp. Lúa bị ngập đã gặt về nhưng nắng ít, phơi không đạt, hạt gạo bị xỉn màu không bán được, gia đình phải dự trữ để dùng và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Cán bộ nông nghiệp huyện Krông Ana kiểm tra thực địa trên cánh đồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.
Cán bộ nông nghiệp huyện Krông Ana kiểm tra thực địa trên cánh đồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường

Ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, đợt mưa lũ kéo dài cuối tháng 5 này khiến gần 657 ha cây trồng vụ đông xuân 2016-2017 của địa phương bị ngập lụt, ước tổng thiệt hại gần 33,4 tỷ đồng. Vụ hè thu là vụ chính trên địa bàn, với kế hoạch gieo trồng gần 8.860 ha cây trồng các loại, trong đó 5.847 ha lúa, 2.014 ha ngô, 565 ha khoai, sắn... Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, người dân đang tập trung thu hoạch diện tích các loại cây trồng còn lại của vụ đông xuân và tiến hành làm đất, gieo sạ vụ hè thu với các giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao như OMO 4900, 7347, 5451...; chuyển đổi những diện tích bấp bênh nguồn nước sang trồng cây hoa màu; phát dọn kênh, mương dẫn nước, ve bờ ruộng để tăng hiệu quả sử dụng nước; củng cố hệ thống đê bao xung yếu, bị thẩm thấu mạnh dọc sông Krông Ana; tập trung diệt chuột, mối, bảo vệ đê bao; thường xuyên thăm đồng để có giải pháp chăm sóc hợp lý cho các loại cây trồng…

Cán bộ nông nghiệp huyện Krông Ana kiểm tra kênh mương tiếp giáp với đê bao Quảng Điền  đang bị hư hỏng nặng.
Cán bộ nông nghiệp huyện Krông Ana kiểm tra kênh mương tiếp giáp với đê bao Quảng Điền đang bị hư hỏng nặng.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để thực hiện thành công kế hoạch gieo trồng hơn 265.680 ha cây trồng các loại vụ mùa 2017 trong điều kiện khí hậu, thời tiết diễn ra phức tạp như hiện nay, sở đã yêu cầu các địa phương sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); chú trọng công tác quản lý, điều tiết nguồn nước từ các công trình thủy lợi. Cùng với đó, chủ động nắm bắt thông tin về dự báo khí hậu thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh để kịp thời ứng phó, hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống ngắn ngày vụ hè thu nhằm hạn chế thiệt hại do khô hạn gây ra trong vụ mùa 2017 mà trước mắt là vụ hè thu 2017.

Tháng 1-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông nông nghiệp đa phương tiện (Agrimedia) xây dựng 8 Trạm thời tiết thông minh iMetos 3.3 AG tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắk và Lắk. Hiện tại, các thông tin về 8 thông số thời tiết-khí hậu của các trạm đang được cập nhập miễn phí trên trang web: daklak.thoitietnhanong.vn


Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.