Chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh
Việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh tràn lan đang là thực trạng đáng lo ngại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Mặc dù đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề này, song dường như để đưa việc sử dụng đất vào quy củ lại đang đặt ra những thách thức...
Kỳ 1: Buông lỏng quản lý
Thời gian qua, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng trên đã không được xử lý triệt để, gây ra nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài.
Sai phạm tràn lan
Thực tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và trung tâm các huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh (kinh doanh cà phê, giải khát, nhà hàng, quán ăn, các công trình thể dục thể thao…) nhưng không chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu kiểm kê, rà soát mới nhất tại 12/15 huyện, thị xã, thành phố hiện có 2.049 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh, đất ở, với diện tích lên đến 2.502.252 m2. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột có diện tích sử dụng sai mục đích lớn nhất với 2.365.235 m2 của 1.770 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Kế đến là huyện Krông Pắc 64.902 m2 của 132 hộ, huyện Krông Bông 23.919 m2 của 13 hộ, huyện Cư M’gar 18.829 m2 của 46 hộ, thị xã Buôn Hồ 11.115 m2 của 27 hộ… Đó là chưa kể đến diện tích tại các huyện Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin chưa thực hiện kiểm kê, rà soát. Trong các địa phương trên, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh phổ biến và dễ nhận thấy nhất là tại TP. Buôn Ma Thuột. Ở các tuyến đường: Nguyễn Khuyến, Y Moan, Hoàng Hoa Thám, Giải Phóng, Trần Nhật Duật, Y Wang nối dài… không khí buôn bán, kinh doanh luôn nhộn nhịp dù nhiều khu đất tại đây chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Hay như tại huyện Cư Kuin, sau khi tách ra từ huyện Krông Ana, đi cùng với hoạt động của các cơ quan hành chính là sự ra đời của rất nhiều hàng quán tập trung ngay khu vực trung tâm huyện. Còn tại các địa phương, sai phạm chủ yếu rơi vào việc sử dụng đất nông nghiệp làm đất ở.
Nhiều cơ sở kinh doanh trên đất nông nghiệp ở khu vực đường Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đã tồn tại nhiều năm nay. |
Việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đã và đang gây ra những hệ lụy nhất định. Trước hết, ngân sách Nhà nước bị thất thu lớn do không thu được tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích sai phạm này. Theo Cục Thuế tỉnh, với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh trên, nếu thực hiện chuyển đổi theo đúng quy hoạch và mục đích sử dụng đất sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Điều đáng nói là, nguồn thu này có thể thực hiện được ngay nếu đưa vào quản lý, bởi đa số các trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều có điều kiện kinh tế và đang phát sinh thu nhập. Thế nhưng, đến nay mới chỉ thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính được 33 trường hợp (1,6% trường hợp vi phạm), với diện tích 7.703 m2 (0,3% diện tích vi phạm). Trong đó có 27 trường hợp đã được cơ quan thuế ban hành thông báo với số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Đây là con số quá khiêm tốn so với thực tế và lại càng đáng lo ngại hơn khi biết rằng tình trạng không quản lý được diện tích sử dụng sai mục đích trên đã diễn ra nhiều năm nay.
Thiếu cương quyết trong xử lý
Trước tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ngày 11-5-2016, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương thành lập những đoàn liên ngành tiến hành rà soát tất cả đối tượng thuộc diện này để hướng dẫn người dân lập thủ tục đăng ký sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về đất đai đối với các trường hợp tự ý xây dựng cơ sở kinh doanh trên đất nông nghiệp hoặc cố tình chây ỳ không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tuy nhiên đã hơn một năm trôi qua, không hiểu vì sao vẫn còn 3 địa phương (Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin) chưa thực hiện rà soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong khi đó, TP. Buôn Ma Thuột dù đã thực hiện rà soát, phát hiện sai phạm lớn nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được khoản thu từ nguồn này.
Tại một số cuộc họp về thu – chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho rằng, việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích kinh doanh không phải các địa phương không biết, cho nên cần làm rõ tại sao địa phương không rà soát để đưa vào quản lý, khai thác nguồn thu tiền sử dụng đất? |
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm, các địa phương đã thiếu cương quyết trong việc xử lý sai phạm. Theo phản ánh của ngành Thuế, ở một số địa phương, mặc dù UBND xã, phường, thị trấn đã hướng dẫn, gửi thông báo cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kê khai lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng họ không thực hiện. Việc xử lý các trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức vận động mà chưa cương quyết xử lý vi phạm hành chính về quản lý đất đai làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự hiệu quả. Điều này thể hiện rõ ở việc toàn tỉnh điều tra 2.049 trường hợp, riêng TP. Buôn Ma Thuột 1.770 trường hợp, nhưng mới chỉ xử lý vi phạm được 99 trường hợp, lập biên bản vi phạm 11 trường hợp; chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ, thu hồi giấy phép kinh doanh…
Cùng với sự thiếu cương quyết của cơ quan thẩm quyền, một yếu tố quan trọng không kém khiến tình trạng vi phạm mục đích sử dụng đất ngày càng tăng là việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt ở một số nơi chưa được coi trọng; việc công khai quy hoạch, nhất là những quy hoạch có sự điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất được duyệt còn mang tính hình thức, các quyền của người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở nhiều nơi còn bị vi phạm khiến người dân lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo một số hộ dân tại xã Dray Bhăng (Cư Kuin), do chưa nắm rõ quy hoạch của địa phương nên mặc dù có điều kiện kinh tế, nhưng xét yếu tố quyết định đầu tư, họ còn chần chừ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất của mình.
(Còn nữa)
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc