Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ kinh nghiệm với nông dân bằng phương pháp FFS

09:31, 09/06/2017

Phương pháp khuyến nông theo nhóm lớp học hiện trường FFS (Farmer Field School) là quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nông dân tự xác định phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng của địa phương, được nông dân hiểu đơn giản là cách thức “hội thảo đầu bờ”, “tham quan thực tế”, “chia sẻ kinh nghiệm” ngay tại ruộng, vườn…

Phương pháp khuyến nông FFS đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1992, với sự tài trợ của Tổ chức Nông - Lương Liên Hiệp quốc, bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực. Những chương trình điển hình phải kể đến như: chương trình IPM trên lúa, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (VinaSat)...

Tham gia lớp tập huấn sử dụng phương pháp FFS tại thôn Đại Đồng, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu diễn ra ngay tại vườn tiêu của nông dân mới đây, đa số những người tham gia lớp học đều cho rằng nội dung kiến thức khi truyền đạt tại vườn dễ tiếp thu, dễ áp dụng. Sau khóa học, các học viên ngoài áp dụng vào sản xuất, họ còn hướng dẫn cho những nông dân khác. Ông Vũ Văn Khuyến, một học viên tham gia lớp học cho hay, nhờ phương pháp giảng dạy trực quan, gần gũi, “giảng đường” chính là vườn tiêu của người dân tại thôn nên ông đã tiếp thu được kiến thức một cách dễ dàng. Hơn nữa, ông được cùng tham gia phân tích và đưa ra những giải pháp thực tế để trồng và chăm sóc tiêu theo hướng bền vững, đồng thời biết cách sử dụng phân bón thế hệ mới để hạn chế sâu bệnh.

 Lớp  tập huấn khuyến nông viên do  Trung tâm Khuyến nông tỉnh  tổ chức  đang  tham quan, học tập  tại một vườn tiêu  ở huyện Buôn Đôn.
Lớp tập huấn khuyến nông viên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức đang tham quan, học tập tại một vườn tiêu ở huyện Buôn Đôn.

Là một nông dân từng tham gia các lớp tập huấn FFS vào 2 năm trước, ông Nguyễn Thế Tình ở thôn 4 Hà Bắc, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) chia sẻ: Sau khi tham khảo trên các chương trình truyền hình và tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng tiêu tại vườn bằng phương pháp FFS do Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn tổ chức, ông đã áp dụng các kiến thức từ lớp học vào sản xuất và mang lại hiệu quả trông thấy. Sau hơn 2 năm xuống giống 350 trụ tiêu Vĩnh Linh gia đình ông thu về 1,5 tấn tiêu khô. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, tăng cường phân chuồng nên trong suốt quá trình phát triển cây tiêu không xuất hiện bệnh hại nghiêm trọng. Hiện nay vườn tiêu của gia đình ông Tình được nông dân ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học hỏi.

FFS là phương pháp khuyến nông theo nhóm với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm. Đây chính là sự giao tiếp hai chiều, giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ để học viên trao đổi kinh nghiệm, bổ sung thêm những kiến thức, tiến bộ kỹ thuật mới. Lớp học chính là nơi trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chuyên sâu ngay tại nơi mà nông dân thực hiện chăn nuôi hoặc trồng trọt.

 

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, Trung tâm mở 90 lớp dạy nghề chuyên ngành trồng trọt và chăn nuôi trong đó có khoảng 1/3 số lớp có sử dụng phương pháp FFS. Nội dung đào tạo chủ yếu là kỹ thuật xây dựng chuồng trại; phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và cây hoa màu như: cà phê, tiêu, sầu riêng, lúa, ngô... “Giảng đường” chính là cánh đồng, ruộng vườn của học viên. Nhờ phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, các lớp học này thu hút rất đông nông dân tham gia. Qua đó, bà con cùng phân tích và đưa ra những giải pháp để sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất. Hình thức tập huấn hai chiều này cũng giúp bà con nông dân mạnh dạn chia sẻ, phát huy tính chủ động, không còn rụt rè, e ngại như trong các lớp đào tạo thông thường.

“Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn theo phương pháp này để bà con nông dân nắm vững được kiến thức, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và nhắm đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên để thực hiện được một lớp tập huấn FFS đúng nghĩa và thường xuyên vẫn còn không ít trở ngại về thời gian và kinh phí”, ông Nam chia sẻ thêm.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.