Đấu thầu qua mạng – Vẫn còn "ì ạch"
Đấu thầu qua mạng bắt đầu được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn ì ạch trong thực hiện.
Đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, do cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu. Theo lộ trình về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 8-9-2015 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, năm 2017, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị trường học trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc thực hiện đấu thầu qua mạng cho thấy nhiều tính ưu việt như giảm thiểu chi phí (nếu tham gia đấu thầu qua mạng, công ty không cần phải sao chụp, đóng quyển hồ sơ, cước phí vận chuyển, giảm thiểu được không gian lưu trữ hồ sơ…). Quan trọng hơn là không còn khoảng cách địa lý, tận dụng được quỹ thời gian làm hồ sơ đấu thầu và có thể đệ trình sát thời hạn chót (theo phương pháp truyền thống thường phải nộp thầu trước 2 ngày). Cùng với đó là giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên giúp hạn chế tiêu cực trong quá trình mở thầu.
Lộ trình, lợi ích của đấu thầu qua mạng là vậy, nhưng theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 39/77 đơn vị đăng ký đấu thầu qua mạng, với 59 gói thầu, có giá trị trên 87 tỷ đồng. Đến nay còn 5 huyện là Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Búk, Krông Năng, Lắk chưa lập danh mục đấu thầu qua mạng. Một số đơn vị thường phát sinh gói thầu như Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, Bệnh viện đa khoa các huyện (trừ Bệnh viện Đa khoa Cư M’gar)… vẫn chưa thực hiện vấn đề này. Trong khi đó, một số đơn vị đăng ký gói thầu, nhưng lại mang tính đối phó khi lựa chọn các gói thầu có giá thầu quá thấp (30 -40 triệu đồng) hoặc có gói thầu nhưng không đăng ký hoặc xin không thực hiện với nhiều lý do khác nhau (Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Lắk, Công ty Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Hòa Phú, Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn…).
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, nguyên nhân chậm triển khai đấu thầu qua mạng do các đơn vị còn lúng túng trong việc triển khai hình thức đấu thầu mới, nhiều đơn vị chủ quan, chưa chủ động, tích cực thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện đúng tỷ lệ, lộ trình như quy định, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đinh Xuân Hà đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đấu thầu cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp huyện.
Cùng với đó là đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu do mình quản lý thực hiện nghiêm việc đấu thầu qua mạng, có biện pháp bắt buộc các đơn vị trực thuộc thực hiện theo đúng tỷ lệ quy định nhằm góp phần tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc