Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội mới cho thị trường nông sản

09:26, 09/06/2017

EU hiện vẫn đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 38,4 tỷ euro.

Nếu Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, mức cắt giảm thuế về 0% sẽ là chìa khóa thúc đẩy mạnh mẽ dòng hàng hóa từ Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng sang thị trường lớn này.

Thị trường tiềm năng

Nông sản có mặt trong số hàng hóa xuất khẩu được hưởng lợi thế lớn khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, điều này đang mở ra cơ hội lớn cho Đắk Lắk khi được xem là “vùng nguyên liệu” của các loại cây công nghiệp có giá trị hàng hóa cao như cà phê, hồ tiêu, sắn, điều, cao su… Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của tỉnh chiếm khoảng trên 700 triệu USD. Riêng cà phê, niên vụ 2015-2016, trên địa bàn tỉnh xuất khẩu đạt 196.391 tấn, tăng 19.294 tấn so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 11,26% so với cả nước, kim ngạch đạt hơn 356 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan đạt trên 26 triệu USD, chiếm tỷ lệ 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. Sản phẩm cà phê Đắk Lắk xuất khẩu sang 62 thị trường thế giới, trong đó tập trung xuất khẩu sang các thị trường truyền thống đã có từ lâu như Đức, Italia, Mỹ, Nhật Bản…

Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng Ban thương mại và kinh tế của Phái đoàn EU tại Việt Nam tìm hiểu các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng Ban thương mại và kinh tế của Phái đoàn EU tại Việt Nam tìm hiểu các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đối với những quy định của FTA giữa Việt Nam - EU thì sản phẩm cà phê nguyên liệu của Đắk Lắk không gặp nhiều cản trở vì chúng ta có vùng nguyên liệu nên đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Phấn đấu của Hiệp hội là cố gắng đưa sản phẩm cà phê chế biến sang thị trường châu Âu và đối với mặt hàng này DN còn chịu các thuế suất nhất định. Muốn được hưởng các thuế suất ưu đãi chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ về chứng nhận xuất xứ để được ưu đãi thuế quan; phải nắm rõ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật SPS (Hiệp định về áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật). Hiện nay, thị trường EU đối với các sản phẩm chế biến vẫn còn đang ở dạng tiềm năng do các DN làm cà phê chế biến sâu chưa nhiều nên chưa đặt thị trường mục tiêu là EU. Đặc biệt, khi hiệp định ký kết có hiệu lực thì cà phê có chỉ dẫn địa lý được công nhận toàn EU. 

Sắp tới Hiệp hội sẽ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê chế biến sâu, cà phê rang xay, trước hết là trong nước sau là xuất khẩu sang thị trường EU, khi đó sẽ khó tránh các rào cản kỹ thuật, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm vì cà phê có sử dụng các phụ gia thực phẩm, trong khi các DN chưa quan tâm đến vấn đề này. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị hỗ trợ các DN nắm bắt nội dung về FTA giữa Việt Nam – EU và nâng cao chất lượng sản phẩm để làm sao cà phê Buôn Ma Thuột có độ an toàn cao có thể vươn ra thị trường EU.

Thách thức không nhỏ

Ông Đỗ Văn Hùng, đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, hằng năm công ty xuất khẩu từ 90-100 nghìn tấn cà phê nhân đi khắp thế giới, trong đó thị trường châu Âu chiếm 40-50% số lượng xuất khẩu. Ngoài ra, năm 2002 công ty tham gia xuất khẩu mặt hàng tiêu từ 5-7 nghìn tấn, bình quân đi châu Âu từ 1.000 – 1.500 tấn tiêu các loại (trắng, đen). Đối với mặt hàng cà phê thì công ty đáp ứng được các yêu cầu của thị trường châu Âu trong kiểm dịch thực vật, bảo đảm được các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng tiêu thì bị kiểm soát rất chặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu nên số lượng xuất khẩu được vào thị trường EU không nhiều. Đó chính là các rào cản rất lớn cho mặt hàng tiêu của Đắk Lắk trong thời gian tới, đặt biệt trong nền sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… như hiện nay. Trao đổi về vấn đề này, bà Miriam Garcia Ferrer. Tham tán thứ nhất, Trưởng Ban thương mại và kinh tế của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải tính đến mặt hàng tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Vì vậy các DN cần nâng cấp chất lượng các sản phẩm của mình, không chỉ xuất thô mà chú ý đến việc chế biến bằng nguyên liệu có nguồn gốc ở Việt Nam.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch tiêu.
Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch tiêu.

Trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến các DN Việt Nam không đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi chính vì DN không chủ động được vùng nguyên liệu. Trường hợp đã có nguyên liệu rồi thì lại không đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm dịch động, thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của EU…

Để hóa giải những rào cản này, theo ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), nếu trước đây DN xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, thì bây giờ, khi Việt Nam là thành viên của WTO và các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta cần biết các quy định đó có hợp lý không. Nếu như các quy định của họ không có cơ sở khoa học thì chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất yêu cầu họ dỡ bỏ.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.