Kết nối Tây Nguyên với cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc
Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” năm 2017 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây nhằm kết nối các tỉnh Tây Nguyên với cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Trong khuôn khổ Chương trình gặp mặt, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao BÙI THANH SƠN.
°Thưa Thứ trưởng, Tây Nguyên giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay vẫn là “vũng trũng” về đầu tư. Vậy theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân khiến Tây Nguyên vẫn chưa hấp dẫn doanh nghiệp?
Theo tôi, điểm yếu lớn nhất của Tây Nguyên thời gian qua là giao thông. Thứ nữa, đất nước đang hội nhập sâu rộng thì Tây Nguyên lại đi sau một bước - điều này có nghĩa là Tây Nguyên chưa quảng bá, giới thiệu tiềm năng của mình đến với thế giới. Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp vào chỉ đạo, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cũng phối hợp quảng bá, giới thiệu Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế, đến với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi tin rằng sắp tới, việc đầu tư vào Tây Nguyên sẽ được cải thiện.
°Xin Thứ trưởng cho biết tại sao trong số rất nhiều nhà đầu tư, nhưng lần này Bộ Ngoại giao lựa chọn các doanh nghiệp Hàn Quốc để giới thiệu lên Tây Nguyên?
Qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017, Bộ Ngoại giao thấy Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp (tới đây là nông nghiệp công nghệ cao), du lịch và điều kiện tự nhiên để phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm nhưng chưa có điều kiện gặp gỡ, trao đổi cùng một lúc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Lần này, Bộ Ngoại giao mong muốn lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên cùng ngồi lại để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của mình với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc.
Du khách thưởng ngoạn cảnh sắc buôn làng Tây Nguyên. Ảnh: H. Gia |
Đây là cơ hội để kết nối trực tiếp Tây Nguyên với 50 doanh nghiệp của Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam. Để phát huy lợi thế, thế mạnh của Tây Nguyên, trước mắt Bộ Ngoại giao lựa chọn đối tác Hàn Quốc, sắp tới có thể là Nhật Bản, một số nước châu Âu… Tây Nguyên có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với sản lượng, số lượng đứng đầu thế giới, tuy nhiên chất lượng, giá trị xuất khẩu thấp. Còn Hàn Quốc rất có kinh nghiệm đưa công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lần làm việc này với doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao hy vọng sẽ gắn kết doanh nghiệp Hàn Quốc với các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó giá trị mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên sẽ tăng lên. Đơn cử, tại Chương trình gặp gỡ hôm nay, Bộ Ngoại giao “kéo lên” Tây Nguyên rất nhiều tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Lotte Hàn Quốc – đơn vị có chuỗi các siêu thị. Khi tập đoàn này đầu tư vào Tây Nguyên thì mặt hàng nông sản sẽ có cơ hội được đưa vào các chuỗi siêu thị của họ.
°Riêng đối với Đắk Lắk, theo Thứ trưởng, cần phải làm gì để thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc?
Mỗi tỉnh ở Tây Nguyên có đặc điểm, thế mạnh riêng, nếu các tỉnh phối hợp được với nhau thì cơ hội thu hút đầu tư sẽ tăng. Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình gặp gỡ 5 tỉnh Tây Nguyên cũng không ngoài mục tiêu trên. Riêng hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vốn dĩ là một cho nên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông, con người rất gần gũi với nhau. Theo tôi, để thu hút các doanh nghiệp vào hợp tác, đầu tư thì điều kiện giao thông của hai tỉnh này cần phải phát triển thêm. Cụ thể, phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các tuyến Quốc lộ để bảo đảm giao thông thông suốt không chỉ Đắk Lắk với Đắk Nông mà Đắk Lắk với Lâm Đồng và một số địa phương khác. Như vậy sẽ tạo được sự liên kết và phát huy được thế mạnh. Một du khách khi đến tham quan khu du lịch huyện Lắk, Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk, họ có thể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông). Doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông nhưng có thể chế biến tại tỉnh Đắk Lắk. Nói điều này để thấy, nếu các tỉnh Tây Nguyên liên kết chặt chẽ với nhau thì sẽ phát huy được thế mạnh của từng tỉnh, nhưng cũng tạo động lực chung cho phát triển của khu vực. Một vấn đề quan trọng nữa là cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính để không chỉ doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước mà bạn bè quốc tế đến hợp tác đầu tư thấy thuận lợi, thoải mái.
°Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc