Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Krông Bông

15:35, 19/07/2017

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Krông Bông trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Từ đó đã xuất hiện không ít những tấm gương tiêu biểu, tiên phong đóng góp cho chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này…

Điển hình trong phong trào xây dựng NTM ở Krông Bông phải kể đến ông Phan Huệ ở thôn 2 xã Ea Trul. Ông là người được nhân dân và chính quyền đề xuất UBND tỉnh khen thưởng trong năm 2016.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Quảng Nam, năm 1990 ông Huệ đưa gia đình vào lập nghiệp trên vùng đất khó Krông Bông. Vốn liếng ít lại đông con nên kinh tế gia đình ông vô cùng chật vật. Hằng ngày ông Huệ cặm cụi với đồng ruộng, còn vợ ông nướng bánh đa mang ra chợ bán. Dẫu vậy nhưng khi Nhà nước có chủ trương làm đường nông thôn mới, ông Huệ đã không tiếc công tiếc của phá ruộng lúa, vườn cây… tự nguyện hiến 1.600 m2 đất, 11 ngày công, 59 xe chở đất để làm đường giao thông liên xã Ea Trul – Yang Reh. Con đường được xây dựng từ tháng 11-2016 với chiều dài 870 m, tổng kinh phí xây dựng là 1,5 tỷ đồng.

Đoạn đường liên xã Ea Trul - Yang Reh do gia đình ông Phan Huệ hiến đất xây dựng.
Đoạn đường liên xã Ea Trul - Yang Reh do gia đình ông Phan Huệ hiến đất xây dựng.

Theo ông Huệ, đây là con đường giao thông quan trọng của xã. Trước đây khi đường chưa được đầu tư xây dựng, người dân đi lại rất khó khăn, thậm chí còn phải lội ruộng và đi thuyền qua sông. Khi có chủ trương và vốn đầu tư của Nhà nước, chính quyền đã vận động nhân dân thôn 2 tự nguyện góp công sức và hiến đất để làm. Con đường mới đi từ Ea Trul – Yang Reh hoàn thành đã giảm một nửa chiều dài đường đi so với trước đây, khi người dân lưu thông qua tỉnh lộ 12. Sau khi ông Huệ quyết định hiến 1.600m2 đất thì bà con trong thôn cũng hồ hởi hưởng ứng, tự nguyện tháo dỡ công trình, phá bỏ cây cối trên đất để làm đường.

Ở thôn 2 xã Hòa Lễ, người dân cũng không ngớt lời ngợi khen ông Bùi Văn Khương, người đã lập chợ cho người dân các thôn 1, 2, 3 kinh doanh buôn bán. Ông Khương cho biết, chứng kiến cảnh bà con trong thôn phải buôn bán ngoài ngã 3 đường vì xa chợ trung tâm, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất an toàn giao thông, năm 2013 ông đã quyết định hiến 8 m đất mặt đường của gia đình ở tỉnh lộ 12 và xây dựng chợ cho bà con. Tiền đất theo thời giá và kinh phí ông bỏ ra xây dựng chợ ước tính gần 300 triệu đồng. Xây xong các ki-ốt chợ, ông Khương cho bà con tại 3 thôn trên buôn bán miễn phí, mỗi ngày chỉ đóng 5.000 đồng tiền nước và phí thu gom rác thải sinh hoạt. Ông Đặng Văn Thơm, một người dân thôn 2 chia sẻ: “Người dân cũng như chính quyền địa phương rất cảm phục việc làm của ông Khương. Trước kia khi ông Khương chưa làm chợ, người dân trong thôn có bó rau, con cá cũng phải đi xa 7-8 km để bán. Nay có chợ đàng hoàng sạch sẽ, mấy năm trở lại đây bà con yên tâm buôn bán”.

Theo đánh giá của ông Hồ Sỹ Quang, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Krông Bông, tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những đóng góp của ông Phan Huệ, ông Bùi Minh Khương đã tạo nên hiệu ứng có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân tại địa phương trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng NTM…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.