Để vốn Nhà nước không bị thất thoát sau cổ phần hóa
Quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang được tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 15 công ty lâm nghiệp và 6 công ty nông nghiệp thuộc diện sắp xếp đổi mới theo công văn số 1832/TTG-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 15 công ty lâm nghiệp, có 6 doanh nghiệp (DN) thuộc diện duy trì, củng cố phát triển và tái cơ cấu Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gồm các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả và Ea Wy; 9 công ty lâm nghiệp còn lại được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên. Riêng 6 công ty nông nghiệp được tiến hành cổ phần hóa.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến đất đai, lao động, hộ nhận khoán và tài sản trên đất... Theo Công văn số 1832/TTg-ĐMDN ngày 15-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc quản lý của UBND tỉnh Đắk Lắk thì mô hình các công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Cà phê Phước An. |
Do đó, khi thực hiện đề án, các công ty cà phê còn lúng túng trong việc lựa chọn mô hình này (người nhận khoán sẽ phản ứng do lo ngại khi Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, cổ phần chính chủ yếu là tư nhân thì quyền lợi của người nhận khoán sẽ bị ảnh hưởng). Do vậy, để người dân nhận khoán yên tâm sản xuất, trước mắt khi cổ phần hóa các công ty, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% đến dưới 65% theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, sau lộ trình 2-3 năm, các công ty cà phê được phép thoái vốn Nhà nước theo quy định thì sẽ thực hiện công ty cổ phần Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần theo Khoản 2, Điều 5 tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đối tượng này gồm các công ty nông nghiệp: Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk; Cà phê - Ca cao Tháng 10; Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana; Cà phê Ea Pôk; Cà phê Thắng Lợi. Đến nay, Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu và thành lập công ty cổ phần với nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (TP. Hồ Chí Minh). Đối với Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt kết quả xác định giá trị doanh nghiệp; công ty đang tiến hành xây dựng phương án cổ phần hóa, đồng thời hoàn thiện phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, hiện nay, Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An đã thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần. Tỉnh kỳ vọng sau cổ phần hóa, công ty sẽ phát huy đoàn kết, mở rộng quy mô phát triển, gia tăng giá trị sản phẩm cà phê chất lượng cao, trở thành mô hình mẫu trong việc tái cơ cấu DNNN trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến trình cổ phần hóa của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi xong các công ty nông nghiệp nói riêng và DNNN của tỉnh nói chung. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính và hoạch định chiến lược phát triển, cho nên cần có sự đồng thuận giữa công ty cũ và các nhà cổ đông chiến lược cũng như các cổ đông mua lần đầu. Để bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo toàn nguồn vốn Nhà nước theo yêu cầu, tỉnh đã cố gắng vận dụng linh hoạt các chính sách liên quan để sớm phê duyệt các phương án sử dụng đất cho các công ty khi chuyển đổi. Đồng thời, thẩm định kỹ giá trị doanh nghiệp để xác định chính xác vốn Nhà nước; lựa chọn người đủ năng lực làm đại diện cho vốn Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh doanh, bảo đảm có lợi nhuận sau cổ phần hóa của các công ty.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc