Ea Súp đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Là địa bàn thuần nông, thời gian qua, huyện Ea Súp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, huyện Ea Súp chủ yếu phát triển cây lúa, nhưng do điều kiện đất đai khí hậu không thuận lợi và một số diện tích không chủ động được nước tưới nên năng suất bấp bênh. Nhận thấy điều này, địa phương đã xác định chuyển đổi một số diện tích lúa và một số cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng mía, khoai lang, thuốc lá và các loại cây ăn quả. Loại cây trồng phát triển mạnh nhất trên địa bàn huyện thời gian gần đây là cây mía. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, diện tích đất trồng mía tại địa phương tăng từ gần 1.500 ha lên 3.500 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Ya Lốp và Ia R’vê… Các loại giống phổ biến là K 95-165, K 95-84 NK 9211 cho năng suất 60 tấn/ha, trữ lượng đường cao so với các địa phương khác. Hiện một số nhà máy đường chuẩn bị đi vào hoạt động tại địa phương, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, nên người trồng mía rất an tâm. Bên cạnh đó, gần đây, một số hộ dân tại xã Ya Tờ Mốt đã đưa vào trồng cây sả trên những diện tích đất canh tác kém hiệu quả. Mặc dù mới được đưa vào trồng từ năm 2015, nhưng loại cây trồng này cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây khác, đặc biệt là dễ dàng thích nghi với những khu vực đất xấu, bạc màu. Thời gian tới, địa phương có kế hoạch phát triển cây sả ra toàn huyện trên diện tích phù hợp.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, địa phương đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho 2 loại sản phẩm chủ lực là lúa gạo và xoài nhằm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm này. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại cây trồng do người dân và doanh nghiệp mới đưa vào trồng và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như: cam, quýt đường, bưởi da xanh, chuối Nam Mỹ…, trong đó, một số loại cây trồng đã được sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc đến tiêu thụ. Một tín hiệu vui là hiện đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đến địa phương khảo sát, lập dự án đầu tư theo quy mô tập trung, áp dụng công nghệ cao.
Trang trại bò của chị Nguyễn Thị Thúy, xã Cư M'lan. |
Bên cạnh chuyển đổi, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, huyện Ea Súp cũng chú trọng phát triển kinh tế trang trại quy mô nông hộ và công nghiệp. Một trong số trang trại có quy mô tương đối lớn tại địa phương là trang trại chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Thúy tại xã Cư M’lan. Dù mới bắt đầu triển khai từ năm 2015 với 25 con bò thịt giống địa phương, nhưng đến thời điểm này, đàn bò của gia đình chị đã lên đến 100 con, trong đó có cả các giống bò lai và bò nhập ngoại. Để phát triển chăn nuôi, gia đình chị đã đầu tư trồng 5 ha cỏ các loại, đồng thời xây dựng hệ thống chuồng trại bài bản, đàn bò được chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ nên phát triển tốt, ít dịch bệnh. Chị Thúy cho biết, trang trại mới xong giai đoạn đầu tư, kiến thiết, thời gian tới, gia đình chị sẽ xuất được bò thịt và bò giống, thu nhập có thể đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Tương tự, trang trại xoài của anh Phạm Quốc Việt, thôn 9, xã Ea Bung cũng là một trong những mô hình điểm về trang trại trồng trọt. Bắt đầu trồng xoài từ năm 2003, hiện gia đình anh có 10 ha xoài Cát Hòa Lộc, sản lượng hơn 70 tấn, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Trang trại của anh không chỉ cho thu nhập cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động ở địa phương.
Ông Trần Quang Trịnh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 67 trang trại quy mô lớn, trong đó, 25 trang trại trồng trọt, 31 trang trại chăn nuôi và 11 trang trại tổng hợp, trong đó, nhiều trang trại có hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình điểm để bà con trong huyện tham quan, học hỏi.
Minh Kiệt
Ý kiến bạn đọc