Hứa hẹn một vùng công nghiệp sôi động
Thời gian gần đây, nhiều dự án công nghiệp (CN) đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Ea Súp, mở ra triển vọng về một vùng sản xuất CN đa ngành sôi động.
Huyện Ea Súp có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển công nghiệp, là điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư. Cụ thể, với diện tích, sản lượng lúa, ngô, mía, sắn… dồi dào, có khả năng cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho phát triển CN chế biến nông sản, thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, nguồn khai thác gỗ rừng trồng, gỗ tự nhiên tận thu cũng tạo nên thế mạnh cho ngành CN chế biến gỗ dân dụng, mỹ nghệ. Chưa kể, huyện cũng có trữ lượng khoáng sản đất sét, cát, đá phân tán tại các xã có thể đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, huyện Ea Súp nằm trong khu vực có số giờ nắng trung bình năm cao, năng lượng mặt trời khoảng 5kWh/m2/ngày, số giờ tạo quang điện trong ngày khoảng 5 giờ. Đây là điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.
Nhận thấy tiềm năng về công nghiệp ở huyện vùng biên, gần đây, nhiều DN đã đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư. Lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nhất là sản xuất điện mặt trời. Cụ thể, đã có 15 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, lập dự án (DA) xây dựng nhà máy điện mặt trời, tổng công suất hơn 4.000 MW… Điều này mở ra triển vọng hình thành một trung tâm CN năng lượng mặt trời tại địa phương trong thời gian tới.
Nhà máy mía đường Đắk Lắk tại xã Ya Tờ Mốt đang gấp rút hoàn thành để kịp vụ sản xuất mía đường 2017 - 2018. |
Một lĩnh vực khác là hoạt động sản xuất mía đường, đơn cử như DA di dời Nhà máy mía đường Đắk Nông – đầu tư xây dựng nhà máy mía đường công suất 2.500 tấn mía/năm (có tính mở rộng lên 3.000 tấn mía/năm) của Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, bắt đầu được triển khai từ tháng 11-2015, tại xã Ya Tờ Mốt, với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, dự kiến DA sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiêu thụ toàn bộ sản lượng mía trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn huyện, sản xuất 3.000 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Súp cho biết, trong lĩnh vực CN mía đường còn có một DA đầu tư xây dựng khu phức hợp công nghiệp mía đường đang triển khai tại xã Ea Rốk của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa, công suất 4.000 tấn mía/ngày, hiện đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy.
Cụm công nghiệp (CCN) Ea Lê nằm trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh quyết định thành lập năm 2011, diện tích hơn 25 ha, nhằm tập trung vào đây các nhà máy, xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, đa ngành mà trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ. Dù chưa được đầu tư hạ tầng, nhưng CCN này hiện có 4 DA đang hoạt động ở các lĩnh vực sản xuất mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản và sơ chế thuốc lá.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cũng cho hay, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các DN đến đầu tư tại địa bàn; những DA trong lĩnh vực CN đã và đang triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng ngân sách địa phương và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc