Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng, hình thành chuỗi giá trị ca cao

08:57, 26/08/2017

Là doanh nghiệp (DN) tiên phong chế biến các sản phẩm bột, bơ ca cao và chocolate trên địa bàn Tây Nguyên, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã đầu tư công nghệ, dây chuyền thiết bị chế biến để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thành lập năm 2007, sau 10 năm đi vào hoạt động, Công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị nhập nội theo công nghệ của Châu Âu công suất 50 tấn sản phẩm/tháng để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột, bơ ca cao, sôcôla và ca cao hạt xay. Quy trình sản xuất cũng được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2015. Gần đây, DN đã đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc mới để phục vụ cho hoạt động sản xuất với mục tiêu chiếm ưu thế trên thị trường nội địa và xuất khẩu sang Canada và các nước Châu Âu, Châu Á. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp bánh kẹo, thực phẩm, các dòng sản phẩm của công ty được chế biến từ nguyên liệu sạch, không sử dụng, sản xuất theo quy trình ISO 9001:2015 và  ISO 22000:2005, nên được thị trường đánh giá cao, đặc biệt là những thị trường khó tính trên thế giới. Đến nay, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn là 1 trong 5 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận DN khoa học công nghệ.

Sản phẩm của công ty được giới thiệu tại diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Sản phẩm của công ty được giới thiệu tại diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, công ty đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Liên Thịnh triển khai Dự án (DA) “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất bột ca cao và các sản phẩm chocolate quy mô công nghiệp tại Đắk Lắk”. DA này được triển khai từ năm 2015 – 2017, tổng kinh phí 12 tỷ đồng (NSNN hỗ trợ 4 tỷ) với mục tiêu hoàn thiện và làm chủ công nghệ và xây dựng nhà máy chế biến sâu ca cao với dây chuyền, thiết bị đồng bộ, công suất đạt 500 tấn sản phẩm/năm để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Dây chuyền chế biến này phải đầu tư 12 loại máy móc, thiết bị từ gàu tải chuyển liệu rang đến tách vỏ, thiết bị lên men đảo bán tự động, hệ thống sấy trung gian hạt, máy sàng phân loại hạt, rang hạt, tách vỏ, nghiền, rây bột ca cao, gia kiềm hóa dung dịch, ép tách bơ, máy sấy lạnh và gia nhiệt. Theo đó, quy trình sản xuất luôn đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong tất cả công đoạn từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Một trong những sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và hương vị là chocolate đen với quy trình sản xuất khoa  học được hoàn thiện từ công nghệ Bỉ và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thị hiếu tiêu dùng Việt Nam.

Với công suất hoạt động của nhà máy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng 600 tấn ca cao hạt khô/năm. Để đáp ứng đủ nguyên liệu sản xuất, Công ty đã liên kết với các HTX, nông dân tại các huyện Krông Ana, Ea Kar… trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ. Theo đó, phía DN hỗ trợ kỹ thuật và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản và lên men nhằm tạo sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ dây chuyền, thiết bị đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại, hiện DN đã cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm: bột cacao nguyên chất, bột cacao 3 in 1, bơ ca cao, bánh cacao liquor và các loại chocolate trắng, sữa, đen. Các sản phẩm này đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đầy đủ theo yêu cầu TCVN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 Điều khiển  máy kết tinh  gia nhiệt.
Điều khiển máy kết tinh gia nhiệt.

Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty cho biết, với tôn chỉ hoạt động luôn hướng đến sức khoẻ và lợi ích của người tiêu dùng, DN đã và đang nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm ca cao thơm ngon, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mọi đối tượng khách hàng, mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn phong phú và đa dạng về thức uống. Với tiêu chí vì một ngành công nghiệp ca cao bền vững và hiệu quả, đặt lợi ích của người nông dân và người tiêu dùng trên hết và sự phát triển của ngành thực phẩm – đồ uống, công ty cũng đẩy mạnh việc gắn kết nông dân xây dựng chuỗi giá trị ca cao bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Sự liên kết chặt chẽ với người trồng ca cao là bước quan trọng trong mục tiêu xây dựng chuỗi ca cao hiệu quả và bền vững của công ty. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy nội lực, củng cố lòng tin của khách hàng, cải thiện quan hệ đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, cũng như nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng trong mọi thời điểm, DN đã quyết tâm thực hiện những bước đi tích cực bằng cách áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến trên thế giới cho quá trình sản xuất sản phẩm, cụ thể, áp dụng Hệ thống quản lý an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005 để quản lý các hoạt động chế biến ca cao và coi đó là điều kiện quan trọng và quyết định  sự phát triển của công ty. Tổ chức chứng nhận VSCB đánh giá, việc đạt chứng nhận trên cho thấy DN thể hiện cam kết với khách hàng về việc cung cấp các sản phẩm sản xuất từ ca cao có chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường trong nước và thế giới.

- Phân loại: Nhằm loại bỏ các tập chất và chọn ra những hạt ca cao đủ chất lượng đem vào sản xuất.

- Rang: Trước quá trình rang máy được gia nhiệt trong vòng 15 phút lên nhiệt độ khoảng 180°C sau đó tiếp tục cho hạt vào rang trong vòng 30- 40 phút.

- Tách vỏ: Hệ thống sàng của máy phân riêng mảnh nhân và vỏ hạt.

- Nghiền: Sau khi tế bào bị nghiền mịn thì các chất trong tế bào nhất là bơ ca cao được giải phóng ra ngoài. Đây là biến đổi có lợi do sau khi các chất bên trong tế bào thoát ra ngoài sẽ thuận lợi hơn cho phát triển hương vị sản phẩm.

- Kiềm hóa: Kiềm hóa là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình chế biến ca cao. Nhờ quá trình kiềm hóa mà chất lượng ca cao bột được cải thiện rõ rệt đặc biệt nhất là về mùi vị, hương thơm và màu sắc.

- Nghiền tinh và phối trộn: Sau khi hình thành ca cao nhão, các nguyên vật liệu được đảo trộn đều, nghiền tinh, mịn.

- Gia nhiệt – kết tinh: Dung dịch chocolate được chuyển qua máy gia nhiệt kết tinh để kết tinh các tinh thể chocolate.

- Rót khuôn: Tùy vào yêu cầu của sản phẩm, sẽ có các khuôn với hình dáng khác nhau theo yêu cầu.

- Làm lạnh: Dung dịch chocolate được làm lạnh ở nhiệt độ 250C trong thời gian 2 giờ để đảm bảo sự ổn định cấu trúc.

- Đóng gói: Sau khi chocolate ổn định cấu trúc, chuyển qua giai đoạn đóng gói và lưu kho.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.