Trồng dâu nuôi tằm: Hướng đi mới ở thị trấn Liên Sơn
Nhận thấy diện tích đất lúa 1 vụ và rau màu cho năng suất, sản lượng thấp, một số hộ dân tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.
Khởi đầu cho việc này là vào năm 2015, nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm của một số hộ dân tại tổ dân phố (TDP) 4 mang lại hiệu quả nên Hội Nông dân thị trấn Liên Sơn đã khuyến khích một số hộ khác học theo. Từ 2 hộ ban đầu, đến nay đã có khoảng 21 hộ ở các TDP 3 và 4 đã chuyển đất lúa 1 vụ sang trồng dâu. Được biết, tại địa bàn thị trấn có nhiều diện tích đất bậc thang, không chủ động được nguồn nước, việc chuyển đổi sang trồng cây dâu khá phù hợp, bởi cây trồng này không đòi hỏi nhiều nước tưới, lại dễ chăm sóc. Ban đầu, khi số hộ trồng dâu còn ít, cán bộ Hội tự tìm tòi kiến thức trên sách báo, các trang thông tin chuyên ngành của Bộ NN – PTNT chắt lọc lại rồi hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tằm. Đến khi cây dâu “bén duyên” với nhiều hộ, nhu cầu nuôi tằm tăng lên, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm lấy kén.
Cùng với việc học hỏi kinh nghiệm từ những người có thâm niên trong nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, một số bà con tại thị trấn đã nắm được thông tin cần thiết và tự tin phát triển mô hình mới này. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Lan (TPD 4), năm 2015 bắt đầu chuyển đổi 3 sào đất trồng màu sang trồng dâu. Ông Lan cho hay, cây dâu tằm dễ sống, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại rau màu khác nên giảm được chi phí nhân công. Với giá bán kén ổn định từ 120.000 đến 130.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi lứa gia đình ông có lãi khoảng 2 đến 3 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng cây màu khác. Ban đầu khi chưa quen mối bán giống tằm, gia đình ông và nhiều hộ dân ở thị trấn thường sang tỉnh Lâm Đồng để mua, thời gian gần đây có nhiều thương lái ở xã Krông Nô kinh doanh giống nên việc mua giống khá thuận lợi.
Vườn dâu tằm của hộ ông Nguyễn Văn Lan. |
Tương tự, năm ngoái, hộ ông Nguyễn Văn Phúc (TDP 4) cũng chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng dâu, cùng điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn thức ăn cho tằm ổn định, mỗi tháng gia đình ông bán được 2 lứa kén, mỗi lứa 30 kg. Theo ước tính của ông, mỗi sào đất trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả bằng 3 sào trồng lúa. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ khác, ông Phúc đang băn khoăn về kỹ thuật nuôi tằm, bởi tằm rất dễ bị ảnh hưởng các điều kiện thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió… Theo kinh nghiệm của ông, nhiệt độ thích hợp cho tằm khoảng 25-300C, chỉ cần nhiệt độ tăng hoặc giảm bất thường thì năng suất và chất lượng cũng giảm theo. Do vậy nên hơn 1 năm nuôi tằm, không ít lần hộ ông bị hỏng kén, may lắm thì bù lại được vốn mua giống.
Tại TDP 3 hiện cũng có một số hộ đã chuyển đổi các vùng đất bạc màu sang trồng dâu như hộ ông Trương Công Minh, bà Lê Thị Thanh… Theo các hộ dân, cây dâu khá thích hợp với vùng đất trước đây canh tác hoa màu và lúa 1 vụ, nếu việc nuôi tằm thuận lợi, đầu ra ổn định bà con sẽ mở rộng diện tích trồng dâu.
Ông Nguyễn Cao Trường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Liên Sơn cho biết, bước đầu mô hình trồng dâu nuôi tằm của các hộ trên địa bàn cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa nắm vững kỹ thuật, quy trình nuôi tằm nên rủi ro vẫn không nhỏ. Hội cũng khuyến cáo bà con không nên ồ ạt chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, tránh tình trạng sản phẩm làm ra quá nhiều không có nơi tiêu thụ.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc