Multimedia Đọc Báo in

Cần bảo đảm quyền được thông tin của người tiêu dùng

08:26, 26/09/2017

“Quyền được thông tin” là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng (NTD) đã được quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thông tin về hàng hóa, dịch vụ chưa chính xác, không rõ ràng, đầy đủ, quảng cáo thổi phồng về giá trị của sản phẩm… từ phía doanh nghiệp cung cấp khiến NTD chịu nhiều thiệt thòi.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức kiểm tra 2.676 cơ sở, xử lý 1.790 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng lậu, hàng giả, nhái, gian lận thương mại…, tổng số tiền thu được qua xử lý là 52 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực gian lận thương mại, các lực lượng chức năng đã phát hiện 955 vụ vi phạm, tăng 223 vụ so với cùng kỳ năm 2016, tiền thu được qua xử lý trên 41,3 tỷ đồng.

Mỹ phẩm kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường.
Mỹ phẩm kém chất lượng được phát hiện, tịch thu tại Chi cục Quản lý thị trường.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, số vụ vi phạm tăng cao cho thấy tình trạng xâm phạm quyền lợi NTD đang diễn ra phổ biến và họ đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mua phải những mặt hàng kém chất lượng. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội đã tiếp nhận, tư vấn và giải quyết 11 vụ khiếu nại của NTD về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, trong đó, sản phẩm thuộc các ngành hàng điện thoại, phân bón, dịch vụ bảo hành… có lượng người khiếu nại ngày càng nhiều. Đây chỉ là con số rất nhỏ, trên thực tế, số vụ việc NTD bị xâm phạm về quyền lợi lớn hơn rất nhiều nhưng phần lớn trong số họ, nhất là NTD tại các vùng nông thôn, khi quyền lợi bị xâm phạm hiếm khi họ tìm đến Hội để nhờ can thiệp, bởi vẫn còn nhiều người chưa biết đến sự tồn tại của Hội. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, đa số cán bộ trong Hội là kiêm nhiệm, thêm vào đó, kinh phí hạn hẹp cũng làm cho hiệu quả hoạt động các hội cơ sở chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, bản thân NTD vẫn còn thiếu chủ động, khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, thay vì tìm đến tổ chức đại diện cho mình để nhờ can thiệp thì họ lại dễ dàng bỏ qua, buông xuôi…

Gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu và tiêu hủy.
Gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu và tiêu hủy.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là công tác bảo đảm thông tin cho NTD vẫn chưa  được phía doanh nghiệp coi trọng. Chị Phạm Thị Ngân (phường Tân Thành,TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, nhiều mặt hàng mỹ phẩm hàng nhập ngoại được bày bán công khai trên thị trường nhưng nhãn mác, tài liệu hướng dẫn đi kèm đều được thể hiện bằng tiếng nước ngoài. Khi mua chị không được nhận hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, cũng không rõ về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nhưng việc đề nghị người bán cung cấp hiếm khi nào được đáp  ứng. Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong giao dịch mua bán hàng hóa, cũng phải kể đến ý thức, trách nhiệm của một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa cao, họ cố tình che giấu thông tin về xuất xứ của hàng hóa thông qua việc từ chối cho NTD xem giấy tờ liên quan chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu. Điều này khiến NTD có nguy cơ mua phải hàng giả, không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. NTD cần cảnh giác khi mua hàng hóa của những doanh nghiệp này.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, số vụ việc xâm hại quyền lợi NTD có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Bà Nguyễn Thị Phương Lan khuyến cáo, về phía NTD nên cân nhắc và đọc kỹ thông tin trước khi quyết định thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, khi mua phải hàng hóa kém chất lượng thì cần thu thập, giữ lại chứng cứ (chính là hàng hóa kém chất lượng), hóa đơn chứng từ đã mua sản phẩm và tìm đến cơ quan chức năng khiếu nại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tại khoản 1đ Điều 66 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD nêu rõ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với thương nhân có hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho NTD theo quy định. Ngoài ra, người bán có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động từ 1-6 tháng…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc