Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay Cư San

06:20, 10/09/2017
Một ngày trung tuần tháng Tám, vượt đoạn đường đèo heo hút, gập ghềnh, chúng tôi đến xã Cư San (huyện M’Đrắk) với ăm ắp hồi ức tràn về.
 
Năm 2013, Báo Đắk Lắk tổ chức chương trình tặng quà người dân nghèo ở những vùng khó khăn của tỉnh và Cư San là một trong những điểm đến của hành trình ấy. Do đi trao quà ở nhiều điểm nên khi đến Cư San đã chiều muộn. Đường sình lầy vì chưa được trải nhựa như bây giờ, nhà cửa thưa thớt, thôn xóm tù mù vì nhiều nơi còn chưa có điện. Khi ấy xã Cư San mới thành lập được gần 6 năm...
 
Trong câu chuyện thân tình “ôn cố tri tân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư San, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò – một trong 24 đảng viên đầu tiên của xã cảm khái nói: “Xã thành lập vừa tròn 10 năm. Với xuất phát điểm thấp, kinh tế kém phát triển, giao thông chưa được đầu tư, trình độ canh tác lạc hậu, tình trạng thiếu lương thực thường xuyên xảy ra... thì việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Cư San trong một thời gian ngắn là rất khó!”.
 

Thế nhưng bằng quyết tâm chính trị cao cùng sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã, Cư San đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ bức thiết liên quan đến đời sống hằng ngày của nhân dân. Trong đó sản xuất nông – lâm nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân...

Đường giao thông thôn 7, xã Cư San được đầu tư từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Đường giao thông thôn 7, xã Cư San được đầu tư từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.

Ngày mới thành lập, dân số của xã chỉ có 4.466 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 9 thôn; tổng diện tích gieo trồng hơn 1.000 ha, tổng sản lượng lương thực chỉ đạt 4.251 tấn/năm; thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng để phục vụ cho sản xuất; trên địa bàn mới chỉ có một vài dịch vụ nhỏ lẻ bán hàng nhu yếu phẩm. Sau 10 năm thành lập dân số xã gần 8.000 người, phân bố ở 12 thôn; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 16 triệu đồng/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, dựa trên các loại cây trồng chủ lực như: cây lương thực, hoa màu và trồng rừng, với giá trị sản xuất đạt 25 triệu đồng/ha. Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2016 đạt 2.389 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 8.859,5 tấn (gấp 2,08 lần khi mới thành lập xã). Chăn nuôi có bước phát triển mạnh, từ chỗ chăn nuôi theo quy mô sản xuất nhỏ, manh mún đến nay đã có nhiều mô hình kinh tế, chăn nuôi tập trung và chăn nuôi bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, ngoài các tuyến đường chính, các trục đường liên thôn cũng được nhân dân đầu tư nâng cấp phục vụ cho đời sống và sản xuất. Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, y tế cũng được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm nhiệm vụ dạy học và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Truyền thống văn hóa được giữ gìn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm từ 4-5%...

Những con số cụ thể nói trên đã phần nào minh chứng cho những đổi thay của vùng đất này. Đáng nói hơn nữa đây lại là xã đặc biệt khó khăn với 99,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Bí thư Đảng ủy xã Cư San Vũ Văn Kim cho biết thêm: “Dân số Cư San chủ yếu là các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Sau thời gian thành lập xã, người dân đã ổn định cuộc sống, không còn tình trạng du canh, du cư như trước nữa mà bám vào đất đai, nương rẫy để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên làm ăn, thoát nghèo...”.
 
Chia tay Cư San trong cơn mưa chiều, hành trình dẫu vẫn còn gập ghềnh nhưng dường như khoảng cách đã được rút ngắn lại. Từ những đổi thay cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội... tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc hơn.
 
Lan Anh

Ý kiến bạn đọc