Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

08:52, 01/09/2017

Nhằm hỗ trợ hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã khuyến khích và tiếp nhận đăng ký nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên.

Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xét duyệt những ý tưởng khả thi để bố trí nguồn vốn hỗ trợ. Đây là một trong những “kênh” hỗ trợ vốn nhằm tiếp sức cho các mô hình kinh tế cho hội viên phụ nữ…    

Cơ sở sản xuất kinh doanh bún khô của chị Bùi Thị Lệ ở tổ dân phố 10, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột hoạt động từ năm 2014. Để mở rộng thị trường, vợ chồng chị Lệ tích cực đưa sản phẩm đến các huyện và tỉnh thành lân cận. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của gia đình chị Lệ đưa ra thị trường gần 5 tấn bún khô, trung bình mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Ấp ủ ước mơ xây dựng hệ thống sản xuất bún khô bằng máy móc hiện đại, vừa tiết kiệm chi phí, nhân công lại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Lệ đã mạnh dạn trình bày ý tưởng này với Hội LHPN tỉnh. Đề xuất này đã được Hội đồng thẩm định ghi nhận khả thi. Mới đây, tại hội nghị thẩm định trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chị Lệ là 1 trong 25 cá nhân, tập thể được trao vốn khởi nghiệp với số tiền 20 triệu đồng.

 Lãnh đạo  Hội LHPN tỉnh trao  quyết định vay vốn khởi nghiệp cho hội viên.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao quyết định vay vốn khởi nghiệp cho hội viên.

Trước đây, trên địa bàn thôn 8 xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông hầu hết người dân đều chăn nuôi bò thả, tỷ lệ rủi ro cao do thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, giá cả thị trường bấp bênh, bò thường xuyên bị dịch bệnh. Qua tham khảo các mô hình chăn nuôi bò nhốt thâm canh mang hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh gồm 8 hộ gia đình. Với mô hình này, bò được nhốt tại chuồng trại, gia đình đầu tư trồng cỏ, mua thêm rơm rạ và thức ăn cộng với áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật nuôi bò vỗ béo…, 1 con bò sẽ cho lãi khoảng 4 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, tổ trưởng tổ liên kết, đây là hình thức chăn nuôi bò nhốt chuồng nên việc đầu tư xây dựng chuồng trại sạch sẽ và thoáng mát là ưu tiên hàng đầu; hằng tháng còn phải phun thuốc khử trùng, tẩy uế chuồng và tiêm vắc xin phòng bệnh. Chăn nuôi bò nhốt thâm canh không khó, nhưng cần nguồn vốn khá lớn. Tuy nhiên, việc huy động vốn từ các thành viên trong tổ có hạn nên sự hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội là rất quan trọng để hội viên có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình. “Số tiền 240 triệu đồng vốn khởi nghiệp do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh vừa hỗ trợ tổ liên kết chính là động lực lớn giúp hội viên phụ nữ tự tin vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, bà Huệ phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, sau một thời gian tiếp nhận đăng ký nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ, Hội đã nhận được 544 ý tưởng của các tập thể, cá nhân. Qua đó, Hội đồng thẩm định đã chuyển 293 ý tưởng khả thi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bố trí nguồn vốn hỗ trợ với tổng số tiền 8,8 tỷ đồng và các nguồn khác hỗ trợ 110 triệu đồng cho hội viên phụ nữ vay khởi nghiệp. Đa số các ý tưởng khởi nghiệp của các hội viên phụ nữ đều tập trung vào các lĩnh vực như: tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, trồng rau, nuôi cá giống, chăn nuôi heo, gà… theo quy trình sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và liên kết hộ theo tiêu chí “5 không 3 sạch”.

Cũng theo bà Nguyệt, việc triển khai hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cùng với các “kênh” hỗ trợ vốn khác do các cấp Hội LHPN triển khai đã phát huy được hiệu quả, tiếp thêm động lực để hội viên phụ nữ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế của địa phương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.