Multimedia Đọc Báo in

Gắn bó với nghề làm bánh tráng gia truyền

06:19, 10/09/2017
Hơn 25 năm nay, nghề làm bánh tráng gia truyền đã gắn bó với vợ chồng ông Lê Viết Sang (52 tuổi) ở tổ dân phố 10, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, đem lại nguồn thu nhập ổn định, đồng thời giúp ông giữ được nghề truyền thống của gia đình.
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm bánh tráng ở làng nghề Minh Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 2002, gia đình ông Sang vào sinh sống tại Đắk Lắk. Những ngày đầu lập nghiệp trên quê hương mới gặp nhiều khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp lại không có đất để canh tác, sẵn có nghề làm bánh tráng gia truyền từ ngoài quê, vợ chồng ông quyết định khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình bằng công việc này.
 
Ông Sang cho biết, làm bánh tráng phải thức khuya dậy sớm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ thực hiện được khi trời nắng. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là gạo và mè đen, chọn loại gạo tẻ ít dẻo, ngâm từ 5-6 tiếng; mè thì chọn những hạt mẩy, đều thì bánh mới thơm ngon. Hằng ngày vợ chồng ông Sang bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng để vớt gạo ra cho ráo nước và xay nhỏ xong trộn thêm mè đen và một ít muối theo tỉ lệ phù hợp. Tiếp đến là công đoạn tráng bánh, đòi hỏi sự khéo léo và thuần thục, múc bột đã pha dàn đều trên chiếc rá tre có lót tấm vải được đặt trên một nồi nước lớn đang sôi. Khi bánh chín, vớt ra một cách cẩn thận để bánh không bị rách hoặc méo mó rồi đặt lên các tấm đan bằng tre đem phơi nắng chừng 4-5 tiếng là khô đều. Bánh đã phơi khô để nguyên trên tấm đan xếp chồng lên nhau, sau đó mới gỡ bánh ra khỏi tấm đan và xếp đều thành từng chồng. Cứ cách một ngày ông Sang lại tráng một mẻ bánh gần 1.000 cái. 
Ông Sang thu gom bánh tráng sau khi đã phơi đủ nắng.
Ông Sang thu gom bánh tráng sau khi đã phơi đủ nắng.

Để tăng thêm thu nhập, ông Sang không bán bánh tráng sống mà nướng chín rồi cung cấp cho người tiêu dùng. Theo ông Sang, khi nướng bánh, than phải được đốt hồng đều, người quạt bánh đặt chiếc bánh vào giữa lò than và điều khiển đều tay, lật đi lật lại liên tục. Chiếc bánh tráng khi nướng xong phải nở phồng đều, vàng rộm, phảng phất mùi thơm của mè. Cứ chiều đến, sau khi đã xong xuôi mọi việc, ông Sang lại cẩn thận đóng gói từng chiếc bánh tráng vào túi ni-lông, rong ruổi trên chiếc xe máy giao hàng đến từng địa chỉ bán lẻ. Mỗi bịch bánh gồm 40 cái với giá bán 120.000-160.000 đồng tùy vào kích thước mặt bánh. Trung bình mỗi ngày ông giao khoảng 10 bịch bánh tráng cho khách.

Tuy không phải là nghề đem lại lợi nhuận cao nhưng bằng chất lượng bánh thơm ngon và sự có tâm với nghề, sản phẩm bánh tráng của gia đình ông Sang ngày càng tạo được uy tín với khách hàng. Từ đó, giúp ông ổn định kinh tế, chăm lo cho 3 người con học hành đỗ đạt. Trừ chi phí, mỗi năm tiền lãi ông thu được từ 100 - 130 triệu đồng.
 
Thùy Linh

Ý kiến bạn đọc