Multimedia Đọc Báo in

Hàng Việt thu hút người tiêu dùng

08:53, 01/09/2017

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã phát huy tác dụng, thu hút nhiều người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng hàng nội.

Theo Sở Công thương, hiện có 80-90% người dân trong tỉnh quan tâm, mua sắm, sử dụng hàng Việt. Tỷ lệ hàng Việt trưng bày tại siêu thị, trung tâm thương mại cũng chiếm tỷ trọng lớn, trên 90% so với các mặt hàng ngoại nhập và việc tiêu thụ hàng Việt tại đây khá thuận lợi, nhiều thương hiệu đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, từ giữa tháng 6-2017 Sở Công thương đã xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Mường Thanh thuộc Chi nhánh doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là mô hình đầu tiên triển khai tại tỉnh, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với 100% sản phẩm, hàng hóa có chất lượng do trong nước sản xuất. Qua đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, số đông người dân trên địa bàn quan tâm đến hàng Việt chất lượng, tâm lý sính ngoại đang dần được loại bỏ, hàng Trung Quốc giá rẻ cũng không còn được chuộng như trước. Sự thay đổi đó đã tạo ra cơ hội cho hàng nội có chất lượng phát triển.

Người dân chọn mua hàng Việt ở Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2017 tại huyện Cư M’gar.
Người dân chọn mua hàng Việt ở Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2017 tại huyện Cư M’gar.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Công thương cũng đã phối hợp với nhiều sở, ngành liên quan thường xuyên triển khai các đợt tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, cùng với vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức hội chợ triển lãm, khuyến mại, quảng bá cho hàng Việt; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng nội... Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Sở đã tổ chức được 32 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút trên 110.000 lượt người tham gia với doanh thu gần 12 tỷ đồng.

Điều đáng nói nhất là hàng Việt hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và lòng tin của khách hàng. Trong đó quan trọng nhất là trải qua cuộc vận động không chỉ góp phần giúp độ nhận biết của người dân về hàng thật, hàng giả tăng lên mà bản thân doanh nghiệp cũng nắm bắt được tâm lý, xu hướng tiêu dùng của người dân vùng nông thôn để hoạch định cho mình chiến lược kinh doanh dài hơi, phù hợp. Là đơn vị nhiều lần đưa hàng về bán tại các địa bàn nông thôn, ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột cho hay, người dân nông thôn luôn ưa chuộng hàng Việt và tiềm năng của thị trường này là rất lớn. Do đó, để khai thác tốt lợi thế này, đơn vị chủ động đưa những loại hàng nội chất lượng, phù hợp với thị hiếu, thói quen, sự cạnh tranh giá cả để bà con có cơ hội lựa chọn mua về sử dụng.

Tuy nhiên, để Cuộc vận động đi vào chiều sâu thì không chỉ đòi hỏi về chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp Việt cần khẳng định mình bằng những sản phẩm uy tín, giá cả phải chăng. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thì vẫn còn nhiều phàn nàn của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ và khâu hậu mãi sau bán hàng của doanh nghịêp Việt, do đó, cần sớm khắc phục “điểm trừ” này để tăng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường.

Thêm vào đó, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được coi là hoạt động trọng tâm của Cuộc vận động, nhưng qua nhiều năm cho thấy, chương trình này chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, ngoại trừ vài doanh nghiệp lớn mới mạnh dạn thực hiện. Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần phải chủ động thiết lập được mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến tận các xã vùng sâu vùng xa để người dân ở đó có cơ hội tiếp cận được với hàng Việt nhiều hơn...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.